PortalPortal  Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG VÀ TÌNH CẢM

Go down 
Tác giảThông điệp
phucDSTPHCM
Super Moderator
Super Moderator
phucDSTPHCM


Posts : 55
Thanked : 0
Ngày tham gia : 24/12/2009

ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG VÀ TÌNH CẢM Empty
Bài gửiTiêu đề: ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG VÀ TÌNH CẢM   ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG VÀ TÌNH CẢM EmptyThu Dec 24, 2009 1:16 pm

ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG VÀ TÌNH CẢM
Trong thế hệ văn minh ngày nay, giới y học đã từng tìm tòi và đã trả lời rằng : Có. Những trạng thái thuộc về tư tưởng và tình cảm con người luôn luôn có ảnh hưởng trực tiếp đén sức khỏe. Những sự tìm tòi, khảo cứu mới đây về khoa chữa bệnh đau tim có tiết lộ rằng : Những người dễ bị xúc động về tâm tư, về tình cảm, những người đó có các mạch máu bị ứ đọng nhiều hơn người có trái tim bình thường.
Theo sự khảo cứu phát minh, người ta nghiệm thấy trong những cơn xúc động mạnh mẽ của con người có một chất gọi là adrénaline được phát tiết và hòa vào trong máu. Chất adrénaline đó khi được tiết ra trong máu làm cho huyết quản con người thay đổi và làm cho người bệnh cảm thấy đau đớn trong quả tim. Đôi khi người ta gọi nó là indiana pectorie. Điều đó cũng áp dụng cho một bệnh thuộc về bao tử. Những sự đau khổ về trí não và về tâm tình có thể làm cho chất acide hypochlorique tuôn tràn vào huyết quản. Chất acide đó, khi tuôn vào trong bao tử, làm cho bao tử lở loét và bị những chứng bệnh khác. Sự nóng giận của con người cũng làm cho áp lực của huyết quản tăng thêm. Những bệnh nhân bị chứng ho lao, nếu để bị xúc động về cảm giác thì họ thường mau chết hơn những người ho lao mà sống được thăng bằng.
Bây giờ có một giáo lý truyền đến cho chúng ta như thế nầy : Khi có sự xúc động về tình cảm và về trí não đã trở thành thói quen, thì chúng nó có thể đem đến bệnh tật cho xác thể. “Lẽ tất nhiên, trái ngược lại, trạng thái tinh thần được yên ổn, điều hòa sẽ giúp người ta tăng thêm sức khỏe.”
Chúng ta có thể nói rằng : Nếu phương pháp vệ sinh được kèm theo cách xử thế hợp đạo, thì những điều đó có thể giúp con người sống hạnh phúc và đầy đủ sức khỏe. Đó là đầu đề mà ta cùng học hỏi với nhau trong buổi thuyết trình hôm nay.
Trước hết, chúng tôi xin đề cập tới vấn đề đó, qua sự xem xét chặt chẽ hơn về tình trạng nhân loại trên thế giới hiện nay. Xét về cơ thể con người tân tiến trong thế hệ này, thì nó là một cơ thể luôn luôn bị rối loạn. Những sự tiến bộ về vệ sinh, về y học và về những phương pháp ăn uống, thật ra, đã làm giảm bớt con số người chết yểu và kéo dài đời sống trung bình con người. Nhưng trái lại, những bản thống kê cho chúng ta thấy rằng : trong thế giới văn minh hiện tại số người bệnh tật càng ngày càng tăng và hễ người ta càng tăng tiến bao nhiêu, thì những mầm mống bệnh tật càng tăng gia bấy nhiêu. Tất cả chư vị và tôi, mỗi cá nhân hay trong gia đình, không ai là người không đứng trước sự hăm dọa luôn của những bệnh tật về thể xác hoặc tinh thần. Vậy thì những bệnh tật và những sự khốn đốn đau khổ là một gánh chung cho nhân loại trong thế hệ nầy. Có một điều lạ lùng nhất là : dầu có sự tiến bộ về y học và về các ngành khoa học khác, nhưng người đời càng ngày càng cất thêm nhiều bệnh viện, nhiều nhà thương điên, những ngục tù, hay là những nhà chứa những bệnh nan y ! Về những nhà thương điên, những khám đường, những bệnh viện đó càng tăng thêm nhiều khi dân số trên thế giới mỗi lúc mỗi tăng. Vậy tại sao lại có sự trái ngược như thế ? Vậy bây giờ có phương pháp nào giải quyết vấn đề nầy ? Có phương pháp then chốt nào ngăn ngừa và chống lại bệnh tật không ?
Thông Thiên Học đem đến cho ta một giải pháp. Bên Phật Giáo cũng có người đã đưa ra rồi, những giải pháp nầy thật là phiền phức, không giản dị như ta tưởng, và sự hiểu biết phương pháp đó giúp ta có thể trả lời được ít nhứt sáu câu hỏi thuộc về con người.
Tôi xin nói câu hỏi đó một cách đại lược và để giúp quí ông, quí bà tìm câu trả lời. Tôi cũng xin quí ông, quí bà lưu ý tới những câu hỏi đặc biệt nầy và những câu trả lời của Thông Thiên Học đưa ra như thế nào ? Bởi vì nếu không có những giải pháp nầy, dầu khoa học có tiến bộ đến đâu cũng không làm được việc gì. Nếu không có những giải pháp cốt yếu nầy, thì con người không có đời sống yên ổn, đời sống bình thường và hạnh phúc được. Vậy chúng ta thấy rằng : những giải pháp nầy quan trọng đến bực nào, bởi nó liên hệ trực tiếp đến anh và tôi, và tất cả mọi người.
Vậy sáu câu hỏi đó như thế nào ?
1.- Bản thể, bản chất con người là gì ?
2.- Mục đích đời người trên thế gian nầy là thế nào ?
3.- Làm sao đạt được mục đích đó ?
4.- Tại sao có kẻ sinh ra với thân hình bệnh tật và tại sao có kẻ không bệnh tật ?
- Tại sao có kẻ dễ nhuốm bệnh tật, trong khi có những người khác chưa hề mắc bệnh bao giờ ?
5.- Những trạng thái về tư tưởng, về tình cảm con người ảnh hưởng đến sức khỏe xác thân bằng cách nào ?
6.- (Là câu hỏi toát yếu 5 câu hỏi trên)
Làm cách nào cho con người có một sức khỏe tốt đẹp về thể chất, tình cảm và trí tuệ ?
Đó là những câu hỏi hoàn toàn giản dị và dễ hiểu, nhưng rất hiếm người trả lời một cách thỏa mãn.
Thông Thiên Học giải đáp những câu hỏi đó một cách rõ ràng.
Trước khi giải đáp, tôi xin nói sơ qua thế nào là giáo lý Thông Thiên Học ? Sở dĩ tôi nói những điều đó không phải là với mục đích làm quảng cáo cho Hội Thông Thiên Học. Tôi không muốn lợi dụng lòng tốt của quí ông, quí bà hiện diện nơi đây để quảng cáo cho bất cứ một cơ quan nào. Tôi chỉ muốn đưa ra những câu giải đáp căn bản và quan trọng thuộc về những bài toán đố khó khăn, bí hiểm của đời người mà thôi.
Danh từ Thông Thiên Học hay là Theosophia do nơi danh từ Hi lạp gồm hai chữ ghép lại là THEO và SOPHIA. Chữ đó có nghĩa là Minh Triết Thiêng Liêng hay là Minh Triết của Trời. Những nhà triết học Cổ Hi lạp đã dùng danh từ đó để chỉ kho giáo lý minh triết thâm sâu từ nghìn xưa để lại. Những kho giáo lý quí báu đó đã được các bực Thánh sư tiết lộ cho người đời và được các triết gia thời xưa duy trì lại. Kho tàng minh triết thiêng liêng đó được giữ gìn và truyền lại đến ngày nay. Chính trong thời buổi nầy chúng ta đang tìm để hiểu danh từ đó. Nếu chúng ta chịu khó nghiên cứu tất cả mọi tôn giáo trên hoàn cầu, thì chúng ta thấy rõ ràng : có những phần giáo lý chung cho tất cả mọi tôn giáo. Tất cả những giáo lý đó gộp chung lại đều có một diễn tả chung cho một Chơn lý tối thượng mà người ta gọi là Theosophia. Mỗi một tôn giáo trên thế gian chẳng khác nào như một bông hoa trong khu vườn chung vậy. Thông Thiên Học hay là Theosophia cũng chẳng khác nào một đóa hoa gồm tất cả mọi cánh hoa hiện diện trong đó. Vậy thì bây giờ Thông Thiên Học đưa ra câu giải đáp nào để trả lời sáu câu hỏi ấy ?
- Câu hỏi thứ nhứt : Con người là ai ? Con người mà tất cả chúng ta đều biết hiện diện trên thế gian ngày nay là ai ?
- Xét về căn bản thì con người gồm có hai phần. Phần linh hồn đang tiến hóa và đang bị giam hãm trong xác thân vật chất. Xác thân vật chất của chúng ta đây chẳng phải là con người thật của chúng ta. Con người thật của chúng ta là cái gì vô hình đang ẩn tàng bên trong. Hai phần đó tức là phần linh hồn ở bên trong và phần xác thể ở bên ngoài. Chúng nó liên quan chặt chẽ với nhau như sự hành động của cái trí. Theo giáo lý của các tôn giáo thì con người gồm có ba phần : tức là phần tinh thần, trí não và phần thể xác.
- Câu hỏi thứ hai : Mục đích của đời sống con người là gì ? Tại sao chúng ta sống trên cõi thế gian nầy ?
-Câu trả lời là : Mục đích của đời người là để tiến hóa đến địa vị tối thượng, để đạt được địa vị giải thoát. Xét về phương diện thần bí, thì mọi người, tất cả chúng ta đều đang tiến hóa đến một trạng thái cao siêu gọi là Niết Bàn. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta đang ở đây. Tóm lại, mục đích của đời người là để đạt đến một trạng thái siêu việt như của Đức Phật Tổ, tức là Giải Thoát và nhập Niết Bàn. Riêng về phần tôi, tôi có thể nói thêm một câu như vầy : “Nếu chúng ta là những người thông minh thì chúng ta có thể cố gắng để hợp tác với chương trình chung, để đạt được mục đích đó”. Bởi vì chính ở trong sự hợp tác với luật tự nhiên, thiên nhiên của trời đất mà con người mới có hạnh phúc.
- Câu hỏi thứ ba : Bằng cách nào mà con người có thể đạt đến Niết Bàn và đắc quả vị Phật ?
- Con người có thể đạt quả vị đó bằng phương pháp luân hồi, tức là phải chuyển kiếp đầu thai xuống trần nhiều lần. Con người có thể đạt đến quả vị tối cao, tận thiện, tận mỹ bằng cách chuyển kiếp nhiều lần, thâu thập những kinh nghiệm và học hỏi ở cõi trần.
- Câu hỏi thứ tư : Bây giờ đến câu hỏi tại sao trong thế gian có những người đau khổ và lại có những người sung sướng ? Tại sao lại có những người thiếu thốn đủ mọi phương diện và lại có những người đầy đủ hạnh phúc ?
- Tôi cảm thấy không cần phải giải đáp câu hỏi đó, nhứt là ở trong xứ có giáo lý Phật giáo : vì tôi biết tất cả chư huynh đệ ở đây đều thuộc lòng câu trả lời đó. Ấy là do luật Nhân quả mà thôi, tức là luật Hành động thiên nhiên, từ kiếp nầy sang kiếp khác, không bao giờ dứt. Nó bất di bất dịch.
- Câu hỏi thứ năm : Những trạng thái về tình cảm, về tư tưởng của con người có ảnh hưởng đến xác thân bằng cách nào ?
- Xin nói rằng sự ảnh hưởng đó rất nhiều, mặc dầu xác thể của chúng ta là một cái gì rất phiền phức, nhưng sự thật nó là một điều rất giản dị và chỉ có một mà thôi. Những xác thể của con người đều liên quan và động tác liên đới chặt chẽ với nhau.
- Câu hỏi thứ sáu : Tôi sẽ trả lời trước khi bế mạc. Câu giải đáp đó đưa ra cách xử thế mà chúng ta cần noi theo mới có thể sống một cuộc đời hạnh phúc và yên ổn được.
Bây giờ tôi xin nhập đề và trả lời về câu hỏi thứ năm tức là sự động tác và sự liên giao giữa tình cảm, tư tưởng và xác thể con người. Trước khi bắt đầu, thì chúng ta cũng nhìn nhận rằng : bệnh tật con người trước hết cũng có nguyên nhân thuộc về thể chất. Những nguyên nhân đó đại khái như do tai nạn, tuổi già, chất độc, hoặc những phép ăn uống sai lầm, hoặc cách xử thế không đúng. Đó là nguyên nhân đưa đến chúng ta bệnh tật. Tới đây thì có một tư tưởng vừa đến với tôi, cho tôi thấy rằng : tôi dùng một chữ không đúng lắm. Tư tưởng đó là : trước cử tọa có nhiều người thuộc về hàng Phật tử thì chúng ta không nên nói đến danh từ mà người ta gọi là tai nạn. Chư vị chắc cũng tha thứ cho tôi sự sai lầm về triết lý đó : vì ở cõi thế gian nầy không có cái gì gọi là tai nạn cả. Tất cả sự gì xảy ra trong đời người đều do sự hành động của luật Nhân quả mà thôi. Tất cả sự gì xảy đến cho đời người chúng ta, trong khi còn sống hay sau khi đã chết, hay là trong đời sống bên kia cửa tử, cũng đều do những kết quả hành động của ta đã gây ra trong những kiếp hiện tại hay quá khứ. Đó là những chân lý thâm sâu thuộc về Phật giáo và Bà La Môn giáo. Nó là then chốt của mọi chơn lý khác. Trong khi ta nhìn nhận nguyên nhân tật bệnh phần nhiều thuộc về thể chất, nhưng người ta vừa khám phá ra còn có những nguyên nhân thuộc về tình cảm và về tư tưởng nữa. Theo sự tìm tòi của khoa học vừa phát minh người ta đưa đến những kết luận sau nầy : “Những trạng thái bất điều hòa, mất thăng bằng ở tư tưởng và cảm giác của con người, nếu kéo dài, thì tất nhiên chúng nó đem đến bệnh tật cho xác thể.” Do sự phát minh tìm tòi đó mới nảy sinh ra một ngành mới trong y khoa gọi là ngành y khoa thuộc về tâm bệnh hay là psychosomatic. Danh từ psychosomatic gồm hai chữ psycho tức là linh hồn và soma nghĩa là thể xác. Hai chữ ghép lại psycho và soma thành chữ psychosomatic. Bây giờ chúng ta thử tưởng tượng đột nhập vào phòng thí nghiệm của nhà bác học trên thế giới, thì chúng ta sẽ thấy gì ? Về ngành y học mới nầy hiện nay các nhà bác học bên Hoa Kỳ đang dẫn đầu và đang ở phòng thí nghiệm Massachusetts General Hospital tại Boston. Có lẽ tôi không cần phải đưa ra tên tuổi những vị bác sĩ đó hiện đang chăm chú khảo cứu về một vài căn bệnh như những chứng bệnh suyễn, bệnh đau xương hay những chứng bệnh sưng ruột. Họ xét thấy phần đông bệnh nhân ấy đều đang bị xúc cảm về thần kinh. Do đó người ta kết luận rằng : có sự liên quan mật thiết giữa xúc cảm, xúc động về cảm giác và chứng bệnh về thể chất của họ.
Vậy thì những xúc cảm về thần kinh đó là gì ?
Trong thân bệnh nhân đó có :
96% đã bị xúc cảm về thù hận.
75% đã bị khủng hoảng về tinh thần.
68% bị ăn năn, hối hận, bị vầy vò về những tội ác mà họ đã làm.
Cũng có nhiều kẻ khác lại buồn phiền, căm giận những chủ hãng của họ, hoặc những thầy giáo hay là cha mẹ họ. Những phản động của sự căm tức đem tới cho họ sự rối loạn trong cơ thể.
Hiện nay trong những viện khảo cứu vể tâm lý trong thành phố Chicago người ta đang nghiên cứu nguyên nhân của chứng bệnh suyễn. Như chúng ta biết chứng bệnh suyễn do nơi người ta bị cảm xúc hay hít vào những chất bụi như chất nhụy trong hoa. Nhưng phần nhiều người ta nhận thấy rằng : nguyên nhân chứng bệnh suyễn là do sự cảm xúc quá nhiều. Nếu có thì giờ, chúng tôi có thể đưa ra những chứng bệnh khác hiện nay trên thế giới đang tìm tòi. Vậy thì các nhà bác học cắt nghĩa sự kiện lạ lùng nầy như thế nào ?
Bằng cách nào tư tưởng và cảm giác con người thuộc về phần vô hình lại có thể ảnh hưởng tới xác thể vật chất cứng rắn đông đặc được ?
Đầu đề nầy là một đầu đề rất phiền phức. Nhưng tôi chỉ đưa ra phần cốt yếu để chỉ cái ảnh hưởng đó bằng cách nào mà thôi. Trong cơn nóng giận hỏi cơ thể ta xảy ra những chuyện gì ? Trong khi cảm xúc đó, những thớ thịt trong quả tim xúc động làm cho quả tim đập mạnh hơn. Người ta nhận thấy rằng : máu huyết vận chuyển từ bộ phận ở dưới như ruột, gan, bao tử đều dồn lên phía trên, để kích thích những bộ phận như quả tim, phổi và óc. Nó cũng ảnh hưởng đến bộ xương và những bộ phận khác. Sự thật là trong mỗi cơn nóng giận hay sợ hãi của con người, tất cả những lực lượng, những sức mạnh trong cơ thể đều được huy động để sẵn sàng chuẩn bị đối phó. Khi ta lâm cơn nóng giận hay sợ hãi trước ngoại cảnh, thì cơ thể của ta có những sức mạnh đang vận dụng để chuẩn bị sẵn sàng chống cự lại hay để chạy. Nhưng thường thường, ta không có hành động đối phó lại; và kết quả là ta bị sự cảm giác căng thẳng. Những tinh lực đang lên trong người bỗng nhiên bị kềm hãm lại, làm cho cơ thể bị kích thích quá nặng và làm cho người ta bị đau đớn.
Ta cũng có thể làm cho sự kích thích đó êm dịu trở lại. Nhưng trong cơ thể ta đã có một sự thay đổi lớn lao rồi. Điều đó đem đến những ảnh hưởng khốc hại. Thí dụ như trong máu huyết thay đổi, người ta thấy sanh ra một chất gọi là adrénaline. Xét vì máu là một chất luôn luôn luân chuyển trong cơ thể con người, xét vì bộ phận đó đang thay đổi sự hoạt động của nó bên trong, xét vì những bộ phận trong cơ thể con người đều được tắm gội, thấm nhuần bởi chất lỏng gọi là máu thì tất cả những tình dục, nóng giận, sợ sệt, thù hận, căm tức là những yếu tố có thể đem tới sự thay đổi trong máu huyết. Theo ý kiến của những nhà bác học nhận thấy, thì trạng thái về xúc cảm, tư tưởng và cảm giác đó đem tới sự thiệt hại nhiều hơn là những loại vi trùng. Bác sĩ Alexis Carrel có trình bày sự khảo cứu của ông trong quyển sách nhan đề là “Con người là một kỳ quan khó hiểu nhất”. Những câu tôi kể ra đây tóm tắt đại lược những tư tưởng mà tôi vừa mới trình bày là : Khi những tình cảm con người như nóng giận, sợ hãi, thù ghét mà trở thành thói quen rồi thì nó có thể đưa tới những sự xáo trộn trong cơ thể và những bệnh tật tương đương.
Sự đau khổ về tinh thần cũng làm đảo lộn sức khỏe một cách rất sâu xa.
Những nhà doanh thương buôn bán lớn mà không biết cách nào để thắng đoạt được sự lo âu của mình, thì thường hay chết yểu.
Những cảm xúc của con người thường làm cho những huyết quản bị nới rộng ra hay khép nhỏ lại và sự đó thường đi đôi với sự thay đổi trong huyết quản. Sự khoái trá làm cho da mặt người ta ửng hồng, còn sự sợ sệt làm cho da mặt trở nên trắng bạch. Những trạng thái đó có thể làm kích động hay làm ngưng hẳn sự bài tiết về các bộ hạch và làm thay đổi những thành phần về chất hóa học của nó. Người ta đã chứng nghiệm những xúc động về tinh thần có thể đem tới sự thay đổi trong máu huyết. Tới đây là lời tuyên bố rất lạ lùng của bác sĩ Alexis Carrel như vầy : “Tư tưởng con người làm cho các tế bào trong cơ thể bị xé nát”. Bấy nhiêu đó đủ chứng tỏ sự liên giao mật thiết giữa trạng thái tư tưởng và tình cảm đến xác thân.
Bây giờ chúng ta bước qua một tư tưởng mới. Vậy thì tất cả những chứng bệnh của con người đều có phải là do những trạng thái tinh thần và cảm giác tạo ra hay không ? Trong giai đoạn hiện tại thì ở nhân loại người ta nghiệm thấy có ít nhứt là 10 chứng bệnh thông thường luôn luôn đi kèm với trạng thái thuộc về tâm lý và cảm giác. Mặc dầu người bệnh không thể nhận thấy điều đó. Khi truy nguyên nguồn gốc mọi chứng bệnh khó khăn thì người ta nhận thấy rằng : luôn luôn có những nguyên nhân thuộc về sự khó khăn của trí não, của tinh thần. Thí dụ sự phiền muộn, nóng giận, lo âu và giận dữ, đều là những nguyên nhân chánh để đem tới những bệnh tật tương đương. Chúng ta sẽ thấy có những loại bệnh nào liên quan đến trạng thái tâm hồn của mình ? Đó tức là những chứng bệnh thuộc về bộ máy tiêu hóa kinh niên và những chứng bệnh có nhiều chất acide trong bao tử. Các nguyên nhân chánh gây ra những chứng bệnh lở bao tử, sưng ruột là sự âu lo, phiền muộn và nóng nảy. Có một câu diễn tả ảnh hưởng đó như thế nầy : Bao tử chẳng khác nào một cái kiếng, nó phản ảnh lại tình trạng của cảm giác hay cảm tình.
Nói về chứng bệnh thứ ba là chứng đau ruột. Sự sợ sệt hay là chứng căm tức đều đưa người ta đến tật bệnh đó. Chứng bệnh thứ tư là bệnh suyễn thuộc về sưng phổi. Nguyên nhân chứng bệnh đó là sự đau khổ về tinh thần và những chứng bệnh kinh niên thuộc về bộ máy hô hấp cũng do nơi bấy nhiêu nguyên nhân đó. Và đến chứng bệnh sưng cổ là chứng bệnh bướu (goitre), chứng bệnh nhức đầu, và đau óc, đều do nguyên nhân là những sự khó khăn, đảo lộn về cân não. Chứng bệnh đau xương nguyên nhân của nó là sự căng thẳng về thần kinh và sự phiền muộn quá đáng. Chứng bệnh tiểu đường cũng do bấy nhiêu nguyên nhân đó. Bệnh đau tim và bệnh huyết quản là do sự căng thẳng quá độ của cảm tình. Những nhà kinh doanh lớn tại thành phố New York, nhứt là những nhà lý tài có tiếng tăm trên thế giới đều mắc phải những chứng bệnh đó. Khi họ nhận được những tin tức tốt lành của phòng thương mại đưa đến, thì quả tim họ hoạt động một cách điều hòa; còn khi phòng thương mại đưa ra những tin bất lành về thị trường thì quả tim của họ bắt đầu đảo lộn. Tới đây tôi xin chấm dứt về đầu đề liên quan giữa tư tưởng, tình cảm và xác thể con người.
Bây giờ tôi xin nói tới sự thay đổi căn bản mà hiện nay ngành y học đang bắt đầu. Như chúng ta đã biết, hiện nay trên thế giới đưa ra nhiều phương pháp trị bệnh tối tân. Đó là những phương pháp trị bệnh về tinh thần, về tâm não mà người ta gọi là chữa bệnh bằng tâm lý, hoặc chữa bệnh bằng tinh thần, bằng thần giao cách cảm hay là phương pháp thôi miên. Những phương pháp trị bệnh tối tân đó sở dĩ đưa ra là vì nó căn cứ trên sự hiểu biết, về sự liên giao giữa trạng thái tình cảm và tư tưởng con người đến xác thể. Có lẽ, tôi có thể nói rằng : “Chúng ta hãy tự kềm hãm mình, không nên có tư tưởng tiêu cực. Chúng ta nên cố gắng như thế nào để cho có một tâm địa điều hòa và yên ổn”.
Một trong những nhà y học mới đây có nói đại lược tư tưởng đó như thế nầy : “Trong nhân loại có nhiều người bị đau vì bất mãn, và họ đau khổ hơn là những người đau khổ vì bệnh tật”.
Trước khi kết luận, tôi xin nói : người ta xử thế bằng phương pháp khôn ngoan nào để cho có sức khỏe điều hòa.
Có một nhà bác học chữa bệnh về tâm lý bên Mỹ quốc đã đưa ra tám điều để giúp cho ta có thể noi theo mà sống một cuộc đời hạnh phúc và yên ổn. Bác sĩ ấy, Schindler ở trường Đại học Minnesota.
Đây là tám điều của bác sĩ đưa ra :
1.- Chúng ta đừng lúc nào cũng thấy sự khó khăn trắc trở của mình.
2.- Hãy cố gắng yêu sự làm việc; điều nầy có thể giúp ta tránh được sự căng thẳng về thần kinh, khi mà chúng ta bị làm những việc mà chúng ta không thích.
3.- Hãy có một sự giải trí riêng để tránh cho trí mình bị căng thẳng quá độ. Trong khi chúng ta làm việc hằng ngày, thỉnh thoảng cũng nên nghỉ ngơi giây lát để cho mình giải trí.
4.- Đây là một điều tối quan trọng, là ta phải tập thương yêu người khác, tránh những sự thù hằn, sự căm tức đối với bất cứ những người nào. Theo lời bác sĩ nói, thì những sự thù hằn, căm tức kéo dài, sẽ đem tới kết quả khốc hại không thể tưởng tượng được. Xét vì chúng ta cần phải sống chung với người khác cho nên chúng ta phải tập làm cách nào có thể ưa thích họ.
5.- Khi mà chúng ta làm cho tình trạng không thể thay đổi được, thì chúng ta phải tự an ủi lấy mình. Nếu chúng ta lọt vào tình thế không thể thay đổi được, thì chúng ta phải làm thế nào để tự đóng khuôn vào tình trạng ấy.
6.- Kế đó hãy nhận điều ngang trái của nghịch cảnh. Chúng ta đừng để nghịch cảnh làm cho chúng ta thất bại. Đừng rối loạn về những khó khăn xảy đến, và khi nó xảy đến, thì đừng khi nào ngồi đó mà than thân, trách phận.
7.- Hãy tập nói những lời nói vui vẻ và tươi vui. Đừng khi nào nói những điều nhỏ mọn và độc ác. Hãy giúp cho kẻ khác được sung sướng thì tự ta sẽ được sung sướng.
8.- Hãy đối phó lại bất cứ những vấn đề gì xảy tới cho ta một cách quả quyết. Khi có việc khó khăn xảy tới thì làm thế nào để quả quyết tìm lấy một giải pháp rồi làm theo và đừng nghĩ tới nó nữa.
Tóm lại, chúng ta cần phải có thái độ chung là hãy giữ cho tư tưởng được vui vẻ và tốt đẹp, và cũng nên giúp đỡ người khác luôn.
Bây giờ chúng tôi xin nói thêm một điều khác có thể giúp cho chúng ta có sức khỏe và hạnh phúc là : Mỗi ngày, đều đều đúng giờ, chúng ta nên làm cho tâm hồn chúng ta được hòa nhịp với bản thể chung của trời đất, tức là làm sao tập lấy phương pháp tham thiền hằng ngày. Dầu trong năm phút mỗi ngày cũng được, hãy rán làm sao giữ cho xác thể lẫn tâm hồn đều được hoàn toàn yên lặng. Hãy làm sao cho tư tưởng của ta thoát khỏi sự bận rộn náo nhiệt của đời sống bên ngoài và nâng cao tư tưởng đó đến những chơn lý tuyệt đối đang ngự trong mình chúng ta. Đó là phần linh hồn hay phần chơn ngã bất diệt của chúng ta vậy. Phần linh hồn đó vẫn là một với Thượng Đế. Nếu chúng ta tham thiền đều đều hằng ngày thì chúng ta sẽ nhận thấy chúng ta có một tâm hồn yên ổn, điều hòa và một trạng thái yên lặng bên trong. Chừng đó chúng ta sẽ có được một thái độ yên ổn, nó sẽ giúp chúng ta đối phó lại tất cả bất cứ sự gì xảy ra đến từ bên ngoài. Bấy giờ chúng ta sẽ có một tâm trạng hoàn toàn yên lặng. Ngoài ra sự tham thiền hằng ngày đó, nếu chúng ta thấy được có một cơ quan nào làm việc giúp đỡ nhân loại về tinh thần mà chúng ta nhận thấy là xác đáng, thì chúng ta nên gia nhập vào và làm việc phụng sự, để cho nó trở nên phát đạt.
Bằng phương pháp đó, chúng ta sẽ được một trạng thái bên trong hoàn toàn yên lặng và đẹp đẽ lẫn thể xác và tâm hồn.

Soạn giả: Nguyễn Thị Hai
Về Đầu Trang Go down
 
ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG VÀ TÌNH CẢM
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG DSTT TRONG TOÀN TỈNH PHÚ YÊN TRONG NĂM 2009
» Video Quê hương - Cẩm Ly
» lời chúc của Má Hai Hương đến môn sinh
» HƯỚNG DẪN THÀNH LẬP ĐIỂM TẬP - CÂU LẠC BỘ DSTT
» Nếu sống không hướng thiện ...

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
DƯỠNG SINH TÂM THỂ :: Tin hoạt động DSTT khắp nơi-
Chuyển đến 
Mở Cbox
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất