PortalPortal  Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Tôn giáo trong thời đại khoa học

Go down 
Tác giảThông điệp
phucDSTPHCM
Super Moderator
Super Moderator
phucDSTPHCM


Posts : 55
Thanked : 0
Ngày tham gia : 24/12/2009

Tôn giáo trong thời đại khoa học Empty
Bài gửiTiêu đề: Tôn giáo trong thời đại khoa học   Tôn giáo trong thời đại khoa học EmptySat Dec 26, 2009 9:32 pm

Khoa học đã làm cho con người bơi giỏi hơn cá, bay cao hơn chim và đi bộ trên mặt trăng. . . Khoa học không thể giúp con người chế ngự tâm mình và cũng không đưa đến sự kiểm soát đạo đức và mục đích của cuộc sống. Mặc dù, khoa học có những sự kỳ diệu của nó, nhưng khoa học vẫn có nhiều mặt hạn chế mà ở đó Phật giáo đã vượt qua.
***

Ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại khoa học mà trong đó mọi khía cạnh của đời sống chúng ta đều có ảnh hưởng của khoa học. Từ cuộc cách mạng khoa học suốt thế kỷ 17, khoa học đã tiếp tục phát triển không ngừng cho đến ngày nay.


Tác động của khoa học có sức mạnh đặc biệt đối với niềm tin tôn giáo truyền thống. Nhiều những khái niệm tôn giáo căn bản đang bị lung lay dưới áp lực của khoa học hiện đại và chúng không thể được chấp nhận nữa đối với giới trí thức. Ngày nay việc thừa nhận chân lý chỉ ngang qua thần học hoặc dựa vào giáo quyền kinh điển ngược với khoa học thì không còn chấp nhận nữa. Chẳng hạn, việc phát minh tâm lý học hiện đại đã chỉ ra rằng, tâm cũng giống như thân của con người, hoạt động theo quy luật nhân quả tự nhiên mà không có sự hiện diện của một linh hồn bất biến như một vài tôn giáo đã thuyết giảng.


Một số người quá sùng đạo coi thường các khám phá khoa học đi ngược với các tín điều tôn giáo của họ. Các thói quen tâm lý cứng nhắc như vậy thật sự đã cản trở bước tiến hóa của nhân loại. Vì con người ngày nay khước từ niềm tin mù quáng mặc dù nó được thừa nhận theo truyền thống, những người sùng đạo như vậy sẽ chỉ thành công trong sự tăng trưởng số lượng tín đồ với các giáo điều sai lầm của họ.


Mặc khác, một số nhà tôn giáo đã nhận ra sự cần thiết để thích nghi với các lý thuyết khoa học phổ biến bằng cách đưa ra sự giải thích về niềm tin tôn giáo của họ. Như trường hợp học thuyết tiến hóa của Darwin, nhiều nhà tôn giáo cho rằng con người do Thượng đế tạo ra trực tiếp. Mặt khác, Darwin cho rằng con người tiến hóa từ loài vượn, lý thuyết này đã đánh đổ các triết lý tạo hóa của Thượng đế và coi nhẹ con người. Từ khi tất cả các nhà tư tưởng có hiểu biết đã chấp nhận học thuyết Darwin, các nhà thần học ngày nay ít có sự chọn lựa nào khác ngoài việc đưa ra một giải thích mới cho các giáo lý của họ để thích hợp với học thuyết này mà họ đã phản đối từ lâu nay.


Trong ánh sáng của những khám phá khoa học, thật dễ dàng để hiểu rằng nhiều quan điểm của tôn giáo về thế giới quan và nhân sinh quan chỉ là những tư tưởng ước lệ của những điều đã đang có. Thật sự mà nói thì tôn giáo đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển và tiến hóa của con người. Họ thừa nhận các giá trị, tiêu chuẩn và những nguyên lý nền tảng để hướng dẫn đời sống con người. Nhưng đối với tất cả điều tốt đã làm, tôn giáo không thể tồn tại trong thời đại khoa học hiện đại nếu họ khăng khăng bảo thủ chân lý trong khuôn khổ hình thức giáo điều, khuyến khích lễ nghi và các việc tu tập khác đã được rút tỉa từ ý nghĩa nguồn gốc của họ.

1. PHẬT GIÁO VÀ KHOA HỌC


Mãi cho đến đầu thế kỷ vừa qua, Phật giáo bị giới hạn trong những nước mà khoa học hiện đại chưa phổ biến. Tuy nhiên, từ thuở ban sơ giáo lý Đức Phật luôn luôn mở rộng tư tưởng khoa học.


Một lý do tại sao lời dạy của Đức Phật dễ dàng được chấp nhận bởi tinh thần khoa học là vì Đức Phật không bao giờ khuyến khích niềm tin giáo điều cứng nhắc. Ngài không tuyên bố giáo lý của Ngài dựa trên niềm tin, tín thành nhưng cho phép sự uyển chuyển linh hoạt và tự do tư tưởng.


Lý do thứ hai là tinh thần khoa học được tìm thấy trong thế giới quan của Phật giáo. Phương thức của Đức Phật đối với việc khám phá và chứng nghiệm chân lý thì rất giống với những sự khám phá của các nhà khoa học. Nhà khoa học quan sát thế giới bên ngoài một cách khách quan và chỉ đưa ra học thuyết khoa học sau khi đã kiểm chứng các thí nghiệm thực tiển.


Cách đây hơn 25 thế kỷ, Đức Phật đã vận dụng phương thức tương tự khoa học quán sát thế giới nội tại bằng sự suy xét vô tư khách quan và khuyến khích các đệ tử của Ngài đừng chấp nhận bất cứ điều gì cho đến khi nào họ đã thực sự nghiên cứu và xác chứng tính thực tại của nó.


Giống như các nhà khoa học ngày nay không thể tuyên bố thực nghiệm của mình mà không thể thừa hưởng kinh nghiệm từ những người khác, Đức Phật không tuyên bố rằng sự chứng đắc giác ngộ là chỉ độc quyền dành riêng cho Ngài. Do đó, trong sự tiếp cận chân lý, Đức Phật đã có sự phân tích giống như các nhà khoa học ngày nay. Ngài đã thiết lập phương thức khoa học thực tiển cho việc đạt đến chân lý tối hậu và thực nghiệm giác ngộ.


Phật giáo rất gần gũi với tinh thần khoa học, nhưng sẽ không đúng nếu cho rằng Phật giáo thì ngang hàng với khoa học. Sự thật rằng các ứng dụng thực tiển của khoa học có khả năng làm cho đời sống con người tiện nghi hơn và hưởng thụ hơn những điều trước đây chưa từng có. Khoa học đã làm cho con người bơi giỏi hơn cá, bay cao hơn chim và đi bộ trên mặt trăng. Tuy nhiên, phạm vi kiến thức chấp nhận trí tuệ khoa học ước lệ thì còn hạn chế trong các chứng minh thực tế. Và chân lý khoa học chịu sự biến đổi liên tục. Khoa học không thể giúp con người chế ngự tâm mình và cũng không đưa đến sự kiểm soát đạo đức và mục đích của cuộc sống. Mặc dù, khoa học có những sự kỳ diệu của nó, nhưng khoa học vẫn có nhiều mặt hạn chế mà ở đó Phật giáo đã vượt qua.
2. CÁC MẶT HẠN CHẾ CỦA KHOA HỌC


Thường thì người ta nghe quá nhiều về khoa học và về những gì khoa học có thể làm được nhưng ít biết được những gì mà khoa học chưa hoặc không làm được. Kiến thức khoa học bị giới hạn bởi những thông tin nhận được ngang qua các giác quan. Nó không thể nhận thức chính xác những điều vượt quá giới hạn của giác quan. Chân lý khoa học được xây dựng trên các quan sát lo-gíc của các dữ kiện thuộc giác quan mà nó đang biến đổi liên tục. Do đó, chân lý khoa học là chân lý tương đối không có bền vững trước thách thức của thời gian và vì nhà khoa học đã nhận biết được sự thật này, nên luôn luôn sẳn lòng loại bỏ một học thuyết nếu như nó có thể được thay thế bởi một học thuyết khác tốt hơn.


Khoa học nỗ lực tìm hiểu thế giới bên ngoài và đã bới tìm bề mặt thế giới nội tại con người. Ngay cả khoa học về tâm lý cũng không thật sự tìm hiểu hết nguyên nhân sâu xa của các trạng thái bất an của con người. Khi con người nản lòng, chán ghét cuộc sống và thế giới nội tâm bị tràn ngập bởi xáo trộn và bất an, thì khoa học ngày nay không có nhiều phương tiện để giúp đỡ con người. Đối với môi trường sống xung quanh của con người, khoa học xã hội có thể cung ứng một mức độ hạnh phúc nhất định nào đó. Nhưng không giống như loài vật, con người đòi hỏi nhiều hơn sự tiện nghi thân thể và các nhu cầu giúp đối phó với khổ đau và xáo trộn nảy sinh từ thực tế hằng ngày.


Ngày nay có quá nhiều người bị sợ hãi, bất an và cảm thấy không an ổn. Tuy nhiên, khoa học không thể giúp họ được, khoa học không thể giúp chúng ta chế ngự tâm mình khi mà bản năng đầy thú tính bất chợt nổi lên và đốt cháy trong tâm.


Khoa học có thể làm cho con người tốt hơn không? Nếu có, tại sao các hành động khủng bố và các hành vi phi đạo đức đầy dẫy trong các quốc gia mà các quốc gia đó có nền khoa học tiên tiến? Thật ra không công bằng để nói rằng mặc dù các tiến bộ khoa học đã đạt được và có các lợi thế ban cho con người, khoa học vẫn chưa có thể biến đổi nền tảng nội tâm con người mà khoa học chỉ làm tăng thêm cảm giác của con người về sự phụ thuộc và cảm thấy thiếu thốn? Thêm vào đó, khoa học thất bại trong việc đem sự an toàn đến cho mọi người. Khoa học cũng khiến cho mọi người cảm thấy rất bấp bênh bởi sự đe dọa thế giới có khả năng bị hủy diệt con người trên quy mô lớn. Khoa học không thể cung cấp đầy đủ ý nghĩa của cuộc đời, không thể cung cấp cho con người các lý do rõ ràng chính xác về cuộc sống. Thật tế khoa học là thế tục hoàn toàn trong bản chất và không có liên quan tới mục đích tâm linh của con người. Chủ nghĩa vật chất vốn có tư tưởng khoa học đã chối bỏ các mục tiêu tâm lý cao hơn mục tiêu thõa mãn vật chất. Bằng những lý thuyết có chọn lọc và các chân lý tương đối, khoa học coi thường các vấn đề cốt lõi nhất và để lại nhiều câu hỏi không thể trả lời được. Ví dụ, khi được hỏi về sự khác nhau giữa tâm hồn và thể xác tồn tại trong con người thì không một sự giải thích khoa học nào có thể đưa ra đối với vấn đề như vậy. Vì vấn đề đó vượt qua các giới hạn chật hẹp của khoa học.
3. NHẬN BIẾT CÁI KHÔNG BIẾT


Tâm siêu việt được Đức Phật phát triển thì không bị giới hạn bởi các thông tin cảm giác và vượt qua ngưỡng cửa lô-gíc trong sự giới hạn của nhận thức tương đối. Trái lại, khả năng hiểu biết của con người hoạt động trên cơ sở của những thông tin mà nó thu thập và tích chứa dù trong lãnh vực tôn giáo, triết học, khoa học và nghệ thuật. Đối với vấn đề tâm lý, thông tin này được thu thập xuyên qua các giác quan mà giác quan bị giới hạn trong nhiều phương diện. Những thông tin giới hạn được nhận thức khiến cho sự hiểu biết của chúng ta về thế giới bị méo mó. Trong tác phẩm "Learned Ignorance," của nhà học giả người Pháp Nicholas , Cusa đã viết:
"Tất cả những kiến thức phô bày dựa trên các giác quan của chúng ta thì thật sự là sự không hiểu biết; và sự hiểu biết chân thật chỉ đạt được bởi sự lột bỏ tất cả những điều này cho đến khi chúng ta suy nghĩ mà không dùng các ý tưởng của giác quan"


"Chân lý không phụ thuộc vào những vấn đề bên ngoài chúng ta mà chính ngay trong chúng ta. Chúng ta không thể hy vọng tìm thấy chân lý bằng kinh nghiệm, bằng nhận thức giác quan hoặc ngay cả bằng những lô-gích và lý lẽ. Có nhiều phương tiện để đạt được kiến thức nhưng đó chưa phải bằng nhận thức là chân lý. Chân lý phải thực sự đến từ sự nhận thức nội tại. Sách vở chỉ có thể khơi dậy tư tưởng và cho bạn kiến thức. Đối với chân lý, bạn phải quay mắt nhìn vào trong chính bạn. Vì vậy việc nghiên cứu kiến thức là một điều và nghiên cứu chân lý là một điều khác."


"Lời nói là sản phẩm của tâm hạn chế của chúng ta và tâm của chúng ta phụ thuộc tất cả kiến thức dựa trên kinh nghiệm của các giác quan của chúng ta. Đôi khi các giác quan này không đáng tin cậy. Một việc xảy ra được nhiều người thấy thì có thể được giải thích trong nhiều cách khác nhau."


Một số người tự hào về sự việc mà họ biết rất nhiều. Thật tế là chúng ta biết càng ít thì chúng ta càng có nhiều sự giải thích, chúng ta càng biết nhiều thì chúng ta càng nhận biết nhiều hạn chế của chúng ta. Một học giả thông thái, khi viết xong một tác phẩm được xem là kiệt tác. Vị đó cảm thấy rằng tác phẩm này đã chứa đựng tất cả tinh túy văn học và triết học. Bởi lòng tự hào về sự đạt được của mình, người đó đã phô trương kiệt tác của mình đến một đồng nghiệp – người có trình độ kiến thức ngang hàng – với lời đề nghị rằng xin đánh giá chất lượng của tác phẩm này. Thay vì vậy, vị đồng nghiệp của vị này lại yêu cầu tác giả ghi trên một mẫu giấy tất cả những gì vị này đã biết và tất cả những gì đã không biết. Tác giả đắm chìm trong suy tư và sau một hồi lâu không thể viết ra được những điều nào mà mình đã biết cả. Rồi tới vấn đề thứ hai, vị ấy cũng không thể viết ra được tất cả những điều gì mà mình đã không biết. Cuối cùng trong bước cùng cực nhất, vị đó đã xuôi tay chịu thua và mới nhận thức ra rằng tất cả những gì anh ta đã biết đều thật sự là không biết.


Cùng với quan điểm này, Socrates, một triết gia nổi tiếng Athen của thế giới cổ đại, khi được hỏi những gì ông ta biết, ông ta chỉ trả lời rằng:"Tôi biết chỉ có một điều - là tôi không biết."
4. VƯỢT TRÊN KHOA HỌC


Phật giáo vượt trên khoa học hiện đại trong sự chấp nhận lãnh vực kiến thức rộng lớn hơn tinh thần khoa học. Phật giáo thừa nhận kiến thức xuất phát từ các giác quan cũng như những kinh nghiệm cá nhân đã được ngang qua sự tu dưỡng tâm. Bởi việc phát triển và tu tập tâm định tĩnh cao, thì thực nghiệm tôn giáo có thể được hiểu và được thực hiện. Sự chứng nghiệm không phải là một điều có thể hiểu được bởi hành động thí nghiệm hoặc thẩm sát qua kính hiển vi.


Chân lý do khoa học khám phá chỉ tương đối và chịu sự biến đổi, trong khi chân lý do Đức Phật tìm thấy là tuyệt đối và rốt ráo: chân lý của các pháp không thay đổi theo thời gian và không gian. Hơn nữa, ngược lại với các lý thuyết khoa học, Đức Phật khuyến khích người có trí thì không nên bám víu vào các học thuyết, khoa học và những điều khác. Thay vì học thuyết, Đức Phật dạy con người cách để sống đời sống chân chính bằng sự thanh tịnh các căn và loại bỏ tham muốn, Đức Phật chỉ ra con đường qua đó chúng ta có thể nhận ra trong chính mình bản chất cuộc đời. Mục đích thật sự của cuộc đời có thể được tìm thấy.


Trong Phật giáo, việc tu tập là quan trọng. Một người học nhiều nhưng không thực tập giống như người nói phương pháp nấu nướng từ một cẩm nang dạy nấu nướng đồ sộ mà không cố gắng để chuẩn bị nấu một món ăn thì cuốn sách cẩm nang không thể làm giảm cơn đói bụng được. Cũng thế, thực hành là điều kiện tiên quyết quan trọng trong việc giác ngộ mà trong vài trường phái Phật giáo như Zen đã nâng cao việc tu tập thiền định thậm chí được đặt ở hàng đầu.
Về Đầu Trang Go down
phucDSTPHCM
Super Moderator
Super Moderator
phucDSTPHCM


Posts : 55
Thanked : 0
Ngày tham gia : 24/12/2009

Tôn giáo trong thời đại khoa học Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tôn giáo trong thời đại khoa học   Tôn giáo trong thời đại khoa học EmptySat Dec 26, 2009 9:33 pm

Phương pháp khoa học có khuynh hướng hướng ngoại và các nhà khoa học hiện đại đã khai thác bản chất và các yếu tố tiện nghi cho riêng họ, nhưng lại thường không xem xét nhu cầu để hòa hợp với môi trường và do đó thế giới xung quanh bị ô nhiễm. Trái lại, Phật giáo hướng nội và liên quan tới sự phát triển nội tại của con người. Ở phương diện thấp hơn, Phật giáo dạy con người cách để điều chỉnh và đối phó với các sự kiện và hoàn cảnh của đời sống hằng ngày. Ở mức độ cao hơn, Phật giáo trình bày sự tự nỗ lực của con người phát triển vươn lên thông qua việc tu tập và trau giồi tâm.


Phật giáo có một hệ thống tu tập tâm hoàn hảo liên quan tới việc đạt trí tuệ trong bản chất các pháp để đưa đến sự giải thoát tối thượng – Niết-bàn. Hệ thống này vừa thực tiển, vừa khoa học. Nó bao hàm sự quán sát khách quan về các trạng thái tâm lý và tình cảm.Hơn một nhà khoa học, người tu học Phật như là một vị thẫm phán, một thiền giả quán sát thế giới nội tâm chính mình với chánh niệm.
5. KHOA HỌC KHÔNG CÓ TÔN GIÁO


Nếu không có lý tưởng đạo đức thì khoa học sẽ đem đến sự nguy hiểm cho toàn thể nhân loại. Khoa học chế tạo máy móc và máy móc lần lượt trở thành chúa tể. Bom đạn là quà tặng của khoa học cho một thiểu số người có uy quyền sẽ điều khiển vận mạng của thế giới. Trong khi phần đông nhân loại lại chờ đợi trong nổi khổ đau, sợ hãi, không biết khi nào vũ khí nguyên tử, chất độc hóa học, vũ khí giết người – kết quả của các nghiên cứu khoa học để giết người có hiệu quả hơn – sẽ được sử dụng đến. Khoa học hoàn toàn không những không thể hướng dẫn đạo đức cho nhân loại mà còn nuôi dưỡng nhiên liệu để thổi bùng ngọn lửa khát vọng của con người.


Sự trống rỗng đạo đức của khoa học báo hiệu duy nhất một điều là sự hủy hoại: nó trở thành con quái vật tàn bạo mà con người đã tạo ra. Bất hạnh thay! Chính con quái vật trở nên mạnh mẽ hơn con người đã tạo nên nó. Trừ phi con người biết chế ngự và cai quản quái vật này ngang qua việc thực tập đạo đức tôn giáo thì con quái vật sẽ sớm khuất phục con người. Nếu không có sự hướng dẫn của tôn giáo thì khoa học đe dọa thế giới với sự hủy diệt. Trái lại, nếu khoa học song hành với tôn giáo như Phật giáo thì có thể biến đổi thế giới này thành thiên đường, hòa bình, an ổn và hạnh phúc.


Chưa bao giờ sự đồng hành giữa khoa học và tôn giáo lại rất cần cho phúc lợi nhất của con người và cần phục vụ cho con người như lúc này. Chúng như cần phải đi song song với nhau. Tôn giáo mà không có khoa học là mù, khoa học mà không có tôn giáo thì như bị què.
6. CỐNG HIẾN CHO PHẬT GIÁO

Trí tuệ Phật giáo thiết lập trên từ bi có vai trò quan trọng đến sự điều chỉnh sự nguy hiểm mà khoa học đang hướng đến. Phật giáo có thể cung cấp khả năng lãnh đạo tinh thần để hướng dẫn sự nghiên cứu và phát minh khoa học trong việc khuyến khích sự trau giồi nền văn minh sáng chói trong tương lai. Phật giáo có thể cung ứng các mục tiêu xứng đáng cho sự tiến bộ khoa học mà nó đương đầu với bế tắc vô vọng của việc bị nô lệ bởi chính sự phát minh của nó.


Nhà đại bác học Albert Enstein đã ngỏ lời khen ngợi sự đóng góp của Phật giáo khi ông nói: "Nếu có bất kỳ tôn giáo nào mà tôn giáo đó đáp ứng với nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn giáo đó sẽ là Phật giáo." Phật giáo không có từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học bởi vì Phật giáo đã hàm chứa khoa học đồng thời vượt lên khoa học. Phật giáo là cầu nối giữa tư tưởng tôn giáo và khoa học bởi việc khuyến khích con người khám phá những tiềm năng tiềm tàng trong chính mình và môi trường chung quanh. Phật giáo là mãi mãi!













Từ những buổi đầu tương đồng cho đến sự chia rẻ: Thông thường tôn giáo xuất hiện từ những lo sợ, nhất là nỗi lo sợ về thiên tai như : sấm sét, lụt lội, động đất, núi lửa, và bão tố. Những hiểm nguy nầy luôn đe dọa đời sống con người từ bao thế kỷ. Người xưa đã không hiểu rõ sự vận hành của thiên nhiên, không hiểu được nguyên nhân của những thiên tai nầy; và vì sợ thiên tai nên con người mới bắt đầu tìm kiếm những câu trả lời, những nguyên nhân. Cuộc tìm kiếm nầy mở màn cho những giải đáp về những gì đang xảy ra chung quanh đời sống của con người.

Sự nhận thức về hiểm nguy và sự muốn được an toàn là nguyên nhân chánh cho tôn giáo và khoa học ra đời. Song song với nỗi lo sợ về thiên tai, con người cũng kinh ngạc, thán phục trước những kỳ công của thiên nhiên. Đây không phải là sự tò mò ngẫu nhiên : con người bị bắt buộc phải tìm ra những giải đáp cho những thiên tai đang đe dọa mạng sống của họ. Do đó, vì lo sợ và vì cố gắng muốn thoát khỏi những nguy hiểm đó mà con người gián tiếp khao khát muốn biết sự thật về đấng tạo hóa; và từ đấy mà khoa học ra đời.

Tôn giáo ra đời vì nỗi mong muốn tránh nguy hiểm, và khoa học ra đời từ ước vọng muốn biết sự thật về tạo hóa.

Lịch sử cho chúng ta biết buổi đầu của những tìm tòi có tính cách khoa học xuất hiện nơi nền văn hóa Ai Cập và Mesopotamia, được những vị thầy tu hướng dẫn. Họ là những người đầu tiên đã thích thú tìm hiểu về thiên nhiên và họ đã bỏ thời gian tìm câu trả lời cho những thiên tai đang đe dọa con người.

Tuy nhiên, điểm tương đồng buổi đầu giữa khoa học và tôn giáo cũng là khởi điểm đã phân chia tôn giáo và khoa học. Lý do chia rẻ nầy nằm nơi lãnh vực Sự Thật về thiên nhiên.

Vì những nguy hiểm, đang đe dọa đời sống con người, liên quan đến sự sống chết, nên cần phải có những giải đáp tức thời. Khi mà một câu trả lời xuất hiện có thể chấp nhận được, thì liền ngay đó câu trả lời được ghi xuống và được chấp nhận như một điều luật của tôn giáo. Những câu trả lời thích hợp được đưa ra bằng nhiều cách : những cuộc tế lễ đầy huyền bí, dưới mắt chúng ta hiện giờ là những việc dường như là vô lý -- dầu vậy, lúc đó đây là một hình thức dễ được chấp nhận nhất. Với xã hội, hình thức nầy dần dần được hình thành cho tôn giáo ra đời.

Hiện tại có những kẻ bỏ thời gian để thu lượm bằng chứng, họ phân tách và làm thí nghiệm. Những người nầy, qua những thí nghiệm và những quan sát, họ đã có được những câu trả lời không đồng với quan niệm tôn giáo. Đây được gọi là " khoa học," một sự hiểu biết được hình thành qua việc quan sát và thực nghiệm.

Đây là điểm không tương đồng giữa khoa học và tôn giáo.

Câu trả lời như là một liều thuốc cho sự cần thiết nhất thời, cho số đông, và nương nặng về lòng tin và sự trung thành, thiếu sự nhận xét khách quan. Đấy là Tôn giáo. Do đó, tôn giáo nặng về tín ngưỡng.

Trong khi Khoa học dựa vào sự tìm tòi, tra cứu, quan sát và thực nghiệm. Khoa học không cho những câu trả lời chưa được chứng nghiệm; vì vậy, đây là môi trường chỉ dành cho một số ít người, không phải cho cả xã hội. Sự chứng nghiệm và quan sát tỉ mỉ nầy được tiếp nối và hình thành cái mà chúng ta ngày nay gọi là "Khoa học".

Ngay tại điểm nầy chúng ta hiểu rõ sự khác biệt giữa tôn giáo và khoa học : tôn giáo dành cho số đông, trong khi khoa học chỉ có thể thích hợp cho một số ít người. Để giữ sự đồng nhất về việc tế lễ, cũng như việc dạy dỗ tín đồ, tôn giáo nghiêng nặng về lòng tin. Tôn giáo bắt nguồn từ lòng tin, và dựa vào lòng tin để gìn giữ sự giáo huấn. Tôn giáo là một hệ thống tín ngưỡng không đổi thay với những giáo điều phải được tuân theo mà không được đặt câu hỏi.

Khoa học thì dành cho những người thích suy nghĩ, thích tìm hiểu. Tính chất của khoa học là tìm tòi sự thật qua những thí nghiệm có căn cứ. Khoa học vì vậy gìn giữ và truyền bá sự thật qua sự hiểu biết có tính cách suy nghiệm và lý giải.

Tôn giáo được hiểu như là nơi có những giải đáp cho một sự thật duy nhất.

Thật ra không phải là tôn giáo đưa ra những giải đáp, mà là những giải đáp được đưa ra bởi con người cần nó và từ đó mà tôn giáo được hình thành.

Tôn giáo tìm ra giải đáp cho những vấn đề liên quan đến đời sống con người, từ thấp đến cao, đủ mọi trình độ. Mặt khác, khoa học quán sát sự thật từ những biểu thị riêng rẻ. Khoa học tìm tòi và thu nhặt những mảnh vụn để ráp chúng lại với nhau và hy vọng tìm được câu trả lời thích đáng. Dù rằng khoa học cần có những nguyên tắc chung, nhưng những nguyên tắc nầy cũng bị điều kiện hóa; vì vậy, sự thật tìm thấy được cũng không hẳn hoàn toàn. Chúng ta có thể nói tôn giáo cho câu trả lời đầy đủ , còn khoa học thì chỉ một phần .

Vì tôn giáo và khoa học có giới hạn, cho nên có một thành phần thứ ba xuất hiện, muốn tìm hiểu về sự sống và vũ trụ. Nhóm nầy không vừa ý với tôn giáo vì câu trả lời không nằm trong phạm vi lý luận. Ngược lại, khoa học có câu trả lời dựa trên nguyên nhân và lý luận nhưng chưa có những giải đáp tuyệt đối.

Nhóm thứ ba nầy không muốn chờ khoa học cho câu trả lời, nên họ đã tự tìm lấy những giải đáp bằng cách lý luận và phân tách mà không cần sự kiểm chứng. Cách nầy đã cho ra đời một môn khoa học được mệnh danh là triết học.

Chúng ta có thể dùng một thước đo để so sánh ba môn nầy từ một câu hỏi thông thường về thiên nhiên, như sau :

l. Khoa học - vì đang còn trong vòng kiểm chứng và quan sát nên chưa có được câu trả lời thích đáng.

2. Triết học - ráng tìm ra câu trả lời qua những phân tách và lý luận, mà chưa được kiểm chứng.

3. Tôn giáo - cho đầy đủ những câu trả lời mà không cần kiểm chứng.

Khoa học và triết học đều xuất hiện sau tôn giáo, và cả hai đều cố gắng tìm những giải đáp rõ ràng, minh bạch. Nhưng cả hai đều thất bại khi mà họ không cho được những giải đáp đầy đủ , thích ứng trong đời sống hằng ngày. Ngược lại , tôn giáo vẫn tồn tại vì đã đáp ứng được những câu hỏi của con người mặc dù do lòng tin mà ra.

Bởi vì tôn giáo đáp ứng được tức thời sự thật, câu trả lời cho số đông, nhưng không được kiểm nhận bằng năm giác quan, tất cả chỉ được dựa vào lòng tin. Và vì những giải đáp nầy không được kiểm chứng nên chúng luôn bị thay đổi.

Đôi lúc một câu trả lời được đưa ra : người ta không biết đúng hay sai vì đâu có kiểm chứng. Nếu họ tin thì họ chấp nhận liền. Sau đó nếu có câu trả lời khác, họ lại càng không biết đâu là đúng, vì cũng đâu có kiểm chứng. Do đó, có những kẻ thích câu trả lời cũ hơn là câu trả lời mới. Tôn giáo vì dựa trên niềm tin nên cũng bị đổi khác theo mực thước của niềm tin. Vì vậy chúng ta có thể thấy được rằng có bao nhiêu là tôn giáo. Bởi vì câu trả lời bao gồm sự thật tuyệt đối chưa được kiểm chứng, chỉ dựa vào niềm tin. Do đó khi có những giải đáp mới xuất hiện thì kẻ tin, người không .

Ngược lại, khoa học trả lời chậm chạp, thứ tự, kiểm chứng từng điểm một. Khoa học giải quyết vấn đề bằng duy lý. Bởi thế mới có câu : " Có rất nhiều tôn giáo nhưng khoa học chỉ có một thôi." Nhưng theo cái nhìn lịch sử thì vì khoa học không có cái nhìn thấu suốt về sự thật cho nên có rất nhiều môn khoa học. Những lý luận về vạn vật và vũ trụ thay đổi không ngừng. Vì vậy mà hiện tại có rất nhiều môn khoa học đang hiện hành. Có những khoa học gia muốn kiểm chứng lại những lý thuyết đã có trước đây, họ không đồng ý với mớ lý thuyết cũ và vì vậy chúng ta nghe nói đến 'vật lý mới' và 'khoa học mới'.

Khoa học đối đầu với ngoại cảnh, dựa trên mực thước của năm giác quan. Còn tôn giáo thì nhắm vào ngoại cảnh và con người trong bối cảnh đó. Khoa học chỉ nhắm vào sự quan sát ngoại vật; tôn giáo thì nhắm vào con người với khả năng của các giác quan đối với ngoại cảnh.

Vì tôn giáo nhắm vào sự phát triển mức độ tinh thần của từng cá nhân, cho nên đây là điểm khá phức tạp nơi tôn giáo.

Dù trong trường hợp nào, tôn giáo cũng chỉ nhắc đến con người khi mà họ đang có những vấn đề, và vấn đề nầy cần được giải quyết.

Khi mà tìm nguyên nhân của một vấn đề thì tôn giáo nhìn vào ngoại cảnh chung quanh, không khác chi là khoa học. Tôn giáo nhìn vào ngoại cảnh để tìm ra nguyên nhân của vấn đề, hoặc của đau khổ.

Tôn giáo tìm kiếm sự thật để giải quyết những vấn đề của con người, trong khi đó thì khoa học tìm sự thật chỉ để thỏa mãn khối óc tò mò.

Có những tôn giáo vì muốn có câu trả lời cấp tốc cho một số vấn đề đã buộc phải giải thích rằng nguyên nhân là do những lực ngoài khả năng của con người, như lực của thượng đế, thánh thần, ma quỷ, v...v...

Về những hiện tượng thiên nhiên như sấm sét, động đất, v...v... những buổi cầu nguyện hay tế lễ được đặt ra. Về bệnh hoạn, sợ hãi hay bệnh tâm thần, thì những người 'đồng cốt, thầy bùa' làm những lễ đặc thù huyền bí để chữa bệnh. Trong lúc đó khoa học vì không bị thúc đẩy phải có câu trả lời cấp tốc nên họ tìm kiếm nguyên nhân và truy xét một cách từ từ .

Về mặt tôn giáo, Phật giáo nhắm vào cuộc sống của con người, nhưng không quy lỗi của những vấn đề chỉ nơi ngoại cảnh. Phật giáo nhìn vào nguyên nhân của vấn đề nơi 'Nhân và Quả"-- Nhân và Quả nơi con người như có những ý nghĩ không lành mạnh, hoặc hành động không tốt -- bên ngoài cũng như bên trong, dù có hình tướng hay không hình tướng.

Theo bình thường thì những tôn giáo giáo huấn tín đồ bằng những luật lệ, để củng cố nền đạo đức hay nhân phẩm. Nhưng thường thường thì vì vâng lời, hoặc sợ bị trừng phạt, hay vì lợi ích về sau mà người ta tuân theo những điều luật nầy, hơn là vì hiểu rõ những nguy hại cũng như lợi ích của nó theo quy luật của thiên nhiên.

Tôn giáo hướng vào những khát vọng khác nhau của bao từng lớp con người; vì vậy theo thời gian, tôn giáo cũng có nhiều tông phái vì trình độ hiểu biết của con người cũng không giống nhau.
Về Đầu Trang Go down
phucDSTPHCM
Super Moderator
Super Moderator
phucDSTPHCM


Posts : 55
Thanked : 0
Ngày tham gia : 24/12/2009

Tôn giáo trong thời đại khoa học Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tôn giáo trong thời đại khoa học   Tôn giáo trong thời đại khoa học EmptySat Dec 26, 2009 9:34 pm

Trong quá khứ, sự thật khoa học được kiểm chứng bằng năm giác quan; theo thời gian, chúng ta có những dụng cụ tối tân như viễn vọng kính, kính hiển vi, làm tăng cường khả năng của các giác quan. Nhưng nay thì những dụng cụ nầy đã đạt đến tuyệt đỉnh của chúng, và bây giờ chúng ta cần những máy móc tinh vi hơn, tuyệt xảo hơn.

Hiện nay ngôn ngữ toán học và vi tính là những dụng cụ mới nhất được dùng cho việc kiểm chứng.

Sự phát triển của khoa học tăng dần với những dụng cụ kiểm chứng tối tân, đã trở thành một nghành chuyên môn mà ít có người lãnh hội

được ,vì một người bình dân đâu có phương tiện có những máy móc tối tân để giúp họ kiểm chứng về những phát minh của khoa học.

Ngược lại, tôn giáo dành cho số đông. Cho nên một người bình dân vẫn có thể hoặc tiếp thu hoặc loại bỏ mà không cần kiểm chứng.

Mặc dầu có một số tôn giáo, tựa như khoa học, dành phần 'sự thật' cho một số ít được lựa chọn, các thầy tu, thầy tế lễ, có khi họ còn được ưu tiên để mà thăng tiến trên đường tâm linh, và đây là kết quả của sự điều hành có tính cách cá nhân hơn là bản chất thật sự của tôn giáo.

Phật giáo thì không có phân biệt vì bản chất thật của thiên nhiên là Phật tánh. Làm sao chúng ta có thể độc tôn Phật tánh? Mỗi một cá nhân có quyền hiểu và thực hành để giác ngộ sự thật, tuỳ theo sự thông minh và hiểu biết riêng của mỗi người.

Nên nhớ là có hai loại không có khả năng kiểm chứng sự thật. Loại thứ nhất vì không có những dụng cụ cần thiết để kiểm chứng, loại thứ hai thì vì những sự thật nầy không thể kiểm chứng bằng dụng cụ.

Hiện tại khoa học đang rối đầu về hai vấn đề nêu trên, nhất là cố gắng định nghĩa về sự thật tối cao, hoặc giả tìm tòi câu trả lời trong thế giới của tinh thần.

Nếu cái nhìn của khoa học không được mở rộng, thì chắc chắn khoa học sẽ đi vào ngõ cụt. Khoa học có được nguồn cảm hứng phải tìm cho ra câu trả lời về vũ trụ, nhưng hình như chúng ta chưa bao giờ có được câu trả lời thích đáng. Cũng như trong sự tìm tòi nghiên cứu khoa học dường như gần tìm thấy sự thật, nhưng hiện tại sự thật vẫn nằm ngoài vòng tay của khoa học.

Thêm vào khoa học 'mới' và khoa học 'cũ', hoặc vật lý 'cũ', vật lý 'mới', chúng ta còn có một thứ khoa học dành cho những người chuyên môn và một thứ khác dành cho người bình dân. Bao nhiêu là khái niệm khoa học mà một người bình dân không thể nào tưởng tượng được. Chẳng những anh ta không có khả năng để hiểu, còn nói chi việc tự kiểm chứng. Đây không phải chỉ xảy ra cho người bình dân : một số khái niệm của khoa học cũng rất khó hiểu và không tưởng tượng nỗi đối với một số khoa học gia...Vì vậy chỉ có thể tin vào lời nói người đi trước .

Hãy lấy một thí dụ. Theo khoa học, ánh sáng chỉ là một làn sóng và là một phân tử.

Những khoa học gia đi tìm định nghĩa cho bản chất của ánh sáng : 'đây là một phân tử, đúng không ?'

Một nhóm trả lời,' đúng thế. Đây là một phân tử, một luồng năng lượng điện lực (photon)'.

Nhưng nhóm khác lại nói, ' Không, ánh sáng là một làn sóng.'

Cuối cùng thì ánh sáng vừa là một phân tử và vừa là một làn sóng. Nhưng đó là cái gì vậy ? Điều nầy cần được chứng minh bằng toán học, và bước nầy thật là ngoài tầm hiểu biết của người dân bình thường.

Hãy nhìn vào một số thí dụ khác : những nhà thiên văn nói với chúng ta là có những lỗ hũng đen (black hole) trong vũ trụ. Chúng là những vì tinh tú có sức hút rất mạnh đến nỗi ánh sáng là một phân tử cũng không thoát khỏi, cũng bị hút vào đó. Bây giờ đối với một người bình thường, họ phải hiểu sao đây? Cái gì mà ánh sáng cũng không thoát khỏi?!

Kế đến họ nói trong những lỗ hũng đó, vật chất và năng lượng đều bị kết lại thành những khối dầy đặc mà không có gì trên trái đất có thể so sánh được. Để minh họa, họ nói, nếu khoảng không, của một tòa nhà lớn như Empire State Building, (một trăm lẻ hai tầng), được lấy ra và trọng lượng của khoảng không nầy được kết dồn lại như kích thước của một cây kim! Những khoa học gia giải thích như trên về định nghĩa lỗ hũng đen là gì. Một người bình dân phải hiểu sao đây ?

Thật ra, làm sao có thể hiểu được kích thước chỉ bằng cây kim mà trọng lượng lại là một toà cao ốc 102 tầng. Không thể nào hiểu nỗi--chúng ta chỉ có cách là tin họ. Chúng ta tin vào khoa học trong một thời gian khá dài, cho dù có những nghi vấn . Nhưng thật ra trong lòng, chúng ta ai ai cũng đều tự hỏi, ' ủa, cái gì kỳ vậy? làm sao được kìa?'

Khoa học còn đang tìm cách chứng minh những tài liệu góp nhặt của họ. Những tài liệu nầy cũng chưa giải thích được những câu hỏi thông thường về thiên nhiên, vũ trụ, cũng như sự hiện hữu của một phân tử.

Khoa học đã đi rất xa về những kiểm chứng bằng các giác quan. Những giả thuyết được chứng minh bằng toán học, và rồi lại được thông dịch bởi những nhà vật lý. Sự thật được thu gọn trong những bài toán đại số, mà toán đại số không phải là chân lý, nên làm sao có thể giải thích về sự thật một cách rốt ráo được. Khoa học gia người Anh, ngài Arthur Eddington là người tìm ra phương cách để chứng minh thuyết vật lý của Einstein, đã nói như sau :

"Khoa học không có khả năng dẫn dắt con người đến chân lý. Khoa học chỉ có thể dẫn con người đến cái bóng của những ký hiệu ."

Cả đến những phương thức quan sát kiểm chứng của khoa học cũng không thật chắc chắn trăm phần trăm, vì bị giới hạn bởi những dụng cụ hay công thức.

Ngày xưa chúng ta tin tuyệt đối vào định luật sức hút của Newton, cho đến khi Einstein chứng minh rằng điều nầy không đúng hoàn toàn. Trên phương diện hạ nguyên tử (subatomic), định luật sức hút không áp dụng được. Trong thời của Newton, đâu có những dụng cụ để mà quan sát hạ nguyên tử. Chúng ta phải đợi đến thế kỷ 20 với sự hiện diện của Einstein, dùng toán học và lý luận để nhận định sự thật. Vì vậy chúng ta phải cẩn thận. Không thể tin chắc chắn vào điều gì, cho dù điều đó có được kiểm chứng bằng một cuộc thí nghiệm.

Tôi nhớ đến chuyện đàn gà và nông dân Brown. Mỗi sáng đàn gà thấy nông dân Brown đem đồ ăn đến. Ngày nào thấy ông Brown thì đàn gà được cho ăn. Cho ra công thức : "Gà thấy ông Brown = được cho ăn.

Vào một buổi sáng, ông Brown đến nhưng trong tay ông là một con dao... Công thức - Gà thấy ông Brown = được cho ăn -- bị biến thành

Gà thấy ông Brown = bị cắt cổ. " Vì thế sự kiểm chứng bằng cách quan sát liên tục không đứng vững, vì vậy không thể là một kết luận có thể định trước được.

Khoa học đáng lý phải giúp con người hiểu biết hơn, nhưng qua những kỹ thuật hiện đại ngày nay, con người chỉ biết hưởng thụ, chỉ nuôi dưỡng thêm tham, sân, si. Truyền hình được phát minh, thay vì xem để học hỏi thêm, để tăng trưởng sự hiểu biết và trí thông minh, nhưng phần đông con người chỉ xem TV là một thứ tiêu khiển giết thời giờ, và do đó họ trở nên quá dễ dãi và thờ ơ. Chúng ta có những phương tiện thông tin tối tân, thay vì dùng chúng để mở mang kiến thức, sự hiểu biết; đàng nầy ta dùng chúng để khuyến khích sự si mê.

Khoa học không chịu trách nhiệm về những lạm dụng kỹ thuật nầy. Thay vì dùng những kỹ thuật tối tân để giúp đời, chúng ta dùng chúng để làm giàu cho chính mình. Do đó, khoa học để cho số đông tựa vào tôn giáo. Đỗ lỗi cho ai đây ? Khi một người hỏi : " Tại sao tôn giáo làm cho con người dễ tin quá?" nhưng cũng bị hỏi ngược lại " Tại sao khoa học lại bỏ rơi con người cho tôn giáo?"

Có rất ít người có được sự hiểu biết sâu sắc về khoa học. Phần đông, họ chỉ tin vào những gì họ nghe nói hoặc họ học được . Vì vậy khoa học ngày nay từ từ cũng trở thành gần như tôn giáo, chỉ có tin hay không tin mà thôi.

Khi mà khoa học có thể giải đáp rốt ráo được những câu hỏi của con người thì lúc đó khoa học sẽ được hoàn hảo. Có những tôn giáo sẽ bị đào thải. Ngược lại, tôn giáo nào mà dẫn đến chân lý, sẽ đứng vào vị trí thống nhất với khoa học. Lúc đó, khoa học và tôn giáo sẽ đạt đến một điểm chung, điểm cuối cùng nơi mà tôn giáo trở nên khoa học và khoa học trở thành tôn giáo, sự chia rẻ đôi bên sẽ vĩnh viễn bị mất đi .

Chúng ta đến trái đất chỉ trong một thời hạn. Những hoàn cảnh đang đe dọa chung quanh không cho chúng ta trể nãi. Những vấn đề trong cuộc sống cần được giải đáp cấp tốc hoặc cần có một thuốc chữa-- bây giờ, ngay cuộc sống hiện tại.

Cho dù khoa học có cách giải quyết một số vấn đề của chúng ta, khoa học cũng bị trở ngại là " ít quá, trễ quá." Khi nói "ít quá", tôi muốn nói đến sự hiểu biết của khoa học về những vấn đề cơ bản trong cuộc sống con người. Khoa học không thể làm cho con người tốt hơn, không làm cho con người vui vẻ, không thể chỉ cho con người làm sao để sửa đổi những thói quen xấu, không trị được đau khổ, buồn bã, giận hờn, thất vọng, v...v... Khoa học không thể giải quyết được những vấn đề xã hội.

Về mặt y học, khoa học đã phát minh một số thuốc giúp ích cho một số bệnh nhân mất ngủ, hay bị bệnh tâm thần... Một số người bệnh tâm thần nặng được bớt bệnh. Và những khoa học gia tin rằng trong tương lai họ có thể phát minh ra được viên thuốc làm cho con người hạnh phúc. Khi mà bạn đang buồn, uống vào viên thuốc tức khắc nỗi khổ tan biến liền...Nhưng lúc nầy không còn là y học nữa, mà biến thành chủ nghĩa khoái lạc. Khoa học đã chứng minh được rằng trong óc của con người, khi vui hay buồn đều tiết ra những chất hóa học, nếu khoa học có thể chế ra những chất nầy thì khi buồn hay thất vọng chỉ cần uống viên thuốc sẽ yêu đời ngay. Những viên thuốc 'hạnh phúc' sẽ được bán như thực phẩm, lúc ấy sẽ không còn ai buồn khổ hay thất vọng, chỉ có yêu đời và hạnh phúc thôi.

Tôn giáo thì muốn đưa con người đến chỗ tự do. Con người có thể hạnh phúc mà không cần những điều kiện từ bên ngoài đưa đến. Nhưng sự dùng thuốc để được hạnh phúc sẽ bắt con người nương dựa vào những điều kiện bên ngoài để được hạnh phúc, làm cho con người mất dần khả năng tự chủ.

Khoa học không khác các tôn giáo cổ xưa là bao, khi bắt con người dựa vào những phát minh của khoa học để mưu cầu hạnh phúc. Ngày xưa cũng thế, vì sợ thánh thần, thượng đế trừng phạt, con người đã cầu xin, van lạy, cúng tế và đặt mạng sống họ vào tay đấng thiêng liêng. Trong hai trường hợp, hạnh phúc và khổ đau của con người nằm trong tay các đấng thiêng liêng hoặc những điều kiện từ bên ngoài; và như vậy khoa học và tôn giáo cổ xưa đã hủy hoại tính độc lập của con người.

Khoa học tự nó không có khả năng giải quyết những vấn đề của con người. Theo từ ngữ Phật giáo, khoa học và kỹ thuật không khuyến khích con người có những hạnh kiểm tốt (sila), không khuyến khích con người thanh lọc tư tưởng (samadhi). Khoa học tìm kiếm gom góp những tài liệu nhưng không chỉ cho chúng ta cách sống thế nào để hạnh phúc (panna).

Điều thứ hai là "trễ quá." Sự thật của khoa học không hoàn toàn, nên không thể cho chúng ta những câu trả lời thích đáng, và cũng chưa có dấu hiệu gì cho thấy là khoa học có thể trả lời những câu hỏi trên.

Sự hiểu biết về khoa học thì thay đổi không ngừng. Lúc thì như thế nầy lúc thì như thế kia. Nếu chúng ta phải ngồi chờ khoa học cho câu trả lời thích đáng thì có lẻ chúng ta sẽ chết trước khi biết được phải sống như thế nào cho xứng đáng với cuộc sống của mình.

Khoa học luôn tìm một nguyên tắc chung nhưng họ chỉ tìm được một phần nhỏ của nguyên tắc đó, như tìm được những mảnh vụn của một tấm hình lớn. Trong khi chờ đợi khoa học giải thích về sự thật, chúng ta dùng những tiện nghi kỹ thuật đang có để nâng cao đời sống của chúng ta và cũng để chìu theo những dục vọng của chính mình.

Như vậy, thật ra không phải khoa học, mà là kỹ thuật đã cho chúng ta những kết quả cụ thể. Để trả lời cho sự thật ( hoặc không phải sự thật) của thế giới thiên nhiên, con người phải dựa vào tôn giáo. Dùng khoa học chỉ để có những tiện nghi vật chất. Đây là trường hợp của ngày nay.

Tôn giáo vẫn tồn tại trên trái đất vì con người vẫn còn chờ đợi một câu trả lời đầy đủ và hoàn toàn; câu trả lời đúng với trường hợp và có thể thực tập được liền. Vì những câu trả lời không được kiểm chứng và vì khoa học không thể chứng minh được, cho nên phần đông con người tự tìm lấy niềm tin của mình.

Khoa học tiến nhanh nhưng chỉ trên phương diện kỹ thuật vật chất, còn về những nhu cầu của con người tìm hiểu sự thật về thiên nhiên thì khoa học chưa có tiến triển gì khả quan.

Trong việc áp dụng khoa học và kỹ thuật, lỗi lầm vẫn thường xảy ra. Sự sai lầm xảy ra vì không hiểu biết, vì thiếu kiểm soát hoặc thiếu thận trọng mà ra.

Chẳng hạn thuốc 'chloramphenicol'. Có một dạo thuốc nầy tràn lan. Thuốc nầy nổi tiếng là thần dược, trị được bá bệnh. Khi bạn bệnh, chỉ cần mua và uống vài viên'chloramphenicol' được bầy bán khắp nơi. Chừng khoảng mười năm sau, khám phá ra rằng chất thuốc nầy được tích tụ lại trong cơ thể và làm cho xương tủy ngừng phát triển những huyết cầu trong máu, và rất nhiều người chết vì bệnh bạch hầu (leukemia). Kế đến là thuốc DDT. Có dạo chúng ta nghĩ với thuốc DDT những vấn đề kiến, sâu, muỗi...sẽ không còn nữa. Con người nghĩ rằng họ có thể trừ diệt sâu bọ tận gốc với DDT. Mấy năm sau, khám phá ra rằng DDT có tính chất gây ung thư, có thể làm chết người. Thêm vào đó, trong lúc con người mang bệnh về chất thuốc nầy thì lũ sâu bọ được miễn dịch (immune), và thuốc trừ chúng không còn hiệu lực nữa. Một số quốc gia đã cấm dùng DDT, nhưng bên Thái Lan vẫn còn dùng DDT cho đến ngày nay.

Và đây là trường hợp thuốc 'thalidomide'. Thalidomide là thuốc giảm đau rất được ưa chuộng trong y khoa. Thuốc nổi tiếng là đạt tiêu chuẩn vì trải qua rất nhiều thử nghiệm. Thuốc được tin dùng và quảng bá rằng là loại thuốc an toàn nhất. Thuốc được ca ngợi đến nỗi những nước giàu có, văn minh thường rất thận trọng về thuốc và y học, đã cho phép thuốc được bán theo toa bác sĩ. Thuốc bán được khoảng năm năm, cho đến năm 196l, khám phá ra rằng thuốc nầy khi uống bởi những phụ nữ đang mang thai, sẽ làm thai nhi bị biến dạng. Quá trễ vì khi thuốc bị thâu hồi nơi thị trường, thì đã có khoảng 8000 trẻ sanh ra bị dị dạng. Thí dụ khác, trường hợp CFC's (chlorofluorocarbons). Nhóm hóa chất nầy được tin dùng cho tủ lạnh, máy lạnh, và những chai thuốc xịt. Nhưng sau đó, những khoa học gia và những nhà môi trường trên thế giới đã lên tiếng là những chất nầy làm mất đi một phần màn khí uyển (ozone layer) cần thiết cho trái đất của chúng ta. Và do đó, những gì chúng ta nghĩ là tốt, là có lợi ích trở thành có hại.

Sự phát triển của khoa học giúp cho sự hiểu biết của con người được nâng cao, đây là điều không chối cãi được. Nếu chúng ta nhìn kỹ sẽ thấy sự phát triển của khoa học đồng thời cũng làm cho sự thông minh và hiểu biết của con người bị suy kém. Lúc đầu mới phát triển, khoa học đã gây một ấn tượng sâu sắc cho con người với những phát minh mới lạ. Lúc ấy, tất cả mọi người đều trông chờ vào những phát minh mới và những kỹ thuật tân tiến. Tất cả những bí mật của thiên nhiên sẽ được khám phá và khoa học sẽ đưa con đến một thời đại hạnh phúc hoàn toàn. Những người tin tưởng hết lòng vào những câu trả lời của khoa học bắt đầu nghi ngờ tôn giáo, và đã có rất nhiều người mất hết niềm tin và bỏ đạo.

Đáng tiếc thay, sự thật mà khoa học cung cấp chỉ là một phần nhỏ. Khoa học chỉ đối phó với thế giới vật chất. Khoa học không có câu trả lời cho những vấn đề nội tại của con người, và vì vậy con người đành quay lại với tôn giáo.

Khoa học không thích thú tìm hiểu về vấn đề nội tại của con người, con người thì không để ý đến những điều nầy, vì vậy sự hiểu biết bị gián đoạn, tinh thần cũng như tâm linh của con người bị chậm tiến, có nơi còn bị thoái hóa.

Theo luật thiên nhiên, cuộc sống và những vấn đề của con người không cho phép con người lơ là với tôn giáo. Theo nguyên tắc cơ bản, những câu trả lời cấp tốc và thiết thực đang cần thiết hơn bao giờ hết. Khi mà con người không còn bị lôi cuốn bởi khoa học; lúc đó, họ sẽ quay trở về với tôn giáo để tìm câu trả lời. Nhưng vì đã có sự gián đoạn nơi mặt phát triển tinh thần, nên con người tìm kiếm loanh quanh, và vì thế cần phải có một bước đầu mới. Nơi những nước văn minh, hiện đại, ta thấy có sự phát triển mạnh về tôn giáo, mà nơi đó sự dị đoan và dễ tin vẫn hiện diện mặc dầu họ đang sống trong một xã hội rất văn minh và tân tiến về mặt kỹ thuật.

Nhưng cũng nhờ vào khoa học mà con người hiểu rõ hơn về những tôn giáo đang có mặt. Tôn giáo trong vai trò chủ động, trong vài tông phái, đã lợi dụng cơ hội để ngăn chận sự phát triển trí thông minh của con người. Vài tôn giáo vẫn còn bám víu một cách mù quáng vào những thực hành & niềm tin vô lý.

Nói về sự phát triển của khoa học : thái độ cũng như cách thức của môn nầy đã ảnh hưởng tốt đến tôn giáo cũng như thái độ của tôn giáo trong xã hội. Ít ra khoa học cũng giúp cho tôn giáo phải ước lượng lại giáo lý & thái độ hiện có. Khoa học được coi như là một thước đo để đánh giá những câu trả lời được đưa ra từ những tôn giáo khác nhau.

Tuy nhiên, theo ý kiến chung, đặc biệt ở những nước mà ảnh hưởng khoa học luôn hiện diện, khoa học không ích lợi mấy cho cuộc sống cũng như không đem lại an lạc cho tinh thần. Khá nhiều người không thích mấy khoa học. Khi mà họ nhìn khoa học với vẻ tán thành, niềm tin của họ cũng không khác người xưa là bao, khi người xưa nhìn vào bùa chú, pháp thuật. Thật là ngây thơ, khi cơ bản không dựa trên sự hiểu biết. Đây mới là tinh thần khoa học. Khi mà số đông nghĩ về khoa học, họ thường nhìn thẳng đến những phát minh kỹ thuật; những kỹ thuật được dùng như một phương tiện để thỏa mãn những ham muốn của họ. Vì vậy, sự phát triển của khoa học chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ trên phương diện kiến thức, hiểu biết, và quan niệm xã hội.

Con người bắt đầu bớt thích thú về khoa học và bắt đầu tìm kiếm những gì họ cần nơi tôn giáo. Nhiều tôn giáo nhắm vào những điểm nầy trên những trình độ khác nhau. Đồng thời có những thành viên trong vòng khoa học bắt đầu công nhận giới hạn của khoa học chính thống, và mở mang sự nghiên cứu trong cái nhìn của tôn giáo. Bước đầu cho sự kết hợp giữa tôn giáo và khoa học, để cùng dẫn dắt nhân loại đến sự thật, hòa bình, với một cuộc sống không còn những bám víu điên rồ.

Mặt khác, có thể là khoa học đang tìm cách chứng minh những gì mà tôn giáo đã nói đến. Khi mà nhân loại không thể chờ đợi câu trả lời, thì chính tôn giáo là câu trả lời cho chúng ta. Khi mà điều nầy chưa được minh chứng thì chúng ta chỉ có cách chấp nhận, chờ khoa học từ từ chứng minh. Trong bối cảnh nầy, khoa học là một cố gắng của con người để chứng minh những sự thật (hoặc là không thật) của tôn giáo.

Nhìn vào phương diện nầy, tôn giáo và khoa học hòa hợp với nhau; vì đều bắt nguồn từ một điểm tương đồng, và một lần nữa tôn giáo và khoa học hợp nhất.

Theo thời gian, những giới hạn về cách thức của khoa học sẽ một lần nữa được nhận diện. Khoa học sẽ không thể nào chứng minh được những sự thật mà tôn giáo nói đến. Hiện nay một số khoa học gia bắt đầu công nhận rằng chân lý tột cùng mà tôn giáo đưa ra sẽ luôn nằm xa tầm tay của khoa học


Xưa nay nhiều người thường cho rằng Khoa học có cái nhìn khác biệt với các nhà Huyền học, Ðạo học. Ðã đành, không phải là các khoa học gia có cùng một đường lối như nhau, nhưng cũng đã có những khoa học gia chứng minh được rằng các nhà huyền học (Mystics) và khoa học gia đã nhận ra rằng Vũ trụ này có một bản thể duy nhứt. Người đã làm được chuyện này là nhà vật lý Fritjof Capra. Năm 1976, ông cho in quyển The Tao of the physics. Sách này đã được nhiều nhà xuất bản in lại. Mới đầu là nhà xuất bản Shambala, rồi đến Quality Book Club, rồi đến Bantam Edition. Từ 1976 đến 1977, Shambala in lại sách bốn lần. Quality Book in lại một lần năm 1977. Bantam từ 1977 đến 1984 in lại tất cả chín lần.

Fritjof Capra viết rằng khoảng năm 1970, một hôm ông ngồi ngoài bãi biển đã chứng kiến thấy vũ trụ chuyển hóa trong ông và quanh mình ông, như một vũ điệu vũ trụ. Ông thấy cát, đá, nước và không khí là những phân tử, nguyên tử rung động, va chạm lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, tiêu diệt lẫn nhau. Ngoài ra còn thấy những luồng vũ trụ tuyến thường xuyên phả qua làn không khí, gây nên những va chạm, những sự huấy diệt lẫn nhau. Trước đây, ông chỉ biết chuyện này trên lý thuyết, trên toán học. Bây giờ ông mới thấy thế giới quanh ông và trong thân thể ông nhảy nhót theo nhịp điệu vũ trụ. Ông cảm động đến rơi lệ và ghi chép lại trên giấy những cảm giác mà ông có được. (1)

Ông không những là một khoa học gia mà còn mê say triết học và huyền học Á Châu. Ông càng ngày càng nhìn thấy rõ sự tương đồng giữa những cái nhìn của các nhà huyền học Bà La Môn, Phật giáo, Kinh Dịch và Lão giáo với những khám phá mới nhứt của khoa Vật Lý Lượng tử (Quantum Physics) hiện đại.
Về Đầu Trang Go down
phucDSTPHCM
Super Moderator
Super Moderator
phucDSTPHCM


Posts : 55
Thanked : 0
Ngày tham gia : 24/12/2009

Tôn giáo trong thời đại khoa học Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tôn giáo trong thời đại khoa học   Tôn giáo trong thời đại khoa học EmptySat Dec 26, 2009 9:34 pm

Ông chủ trương vạn vật trong vũ trụ này đồng thể và hỗ tương ảnh hưởng lẫn nhau (The unity of all things and mutual interrelation of all things). Bản thể rốt ráo ấy của Vũ trụ, Bà la Môn gọi là Brahman, Phật giáo gọi là Dharmakaya, Tathata hay Suchness (Pháp thân, Chân Như), Lão giáo gọi là Ðạo. Khoa học hiện đại cũng chủ trương y thức như vậy.(2)

Ông đã dành cả một chương "The Unity of all things" để bàn về Vạn vật nhứt thể. Ông nhận định đại khái rằng trong đời sống bình thường, con người không biết rằng vạn vật là nhứt thể mà cho rằng vũ trụ này có nhiều sự vật khác nhau, có nhiều chuyện khác nhau. Sự phân biệt này tuy cần cho đời sống hằng ngày, nhưng không đúng với thực tại. Sự phân tách này là do sự biện phân sắp xếp của khối óc chúng ta mà thôi. Tưởng rằng vũ trụ này sai biệt lẫn nhau, và có nhiều biến cố khác nhau là chuyện huyễn vọng (illusion, maya). Ðạo Bà La Môn và đạo Phật cho rằng huyễn vọng đó sinh ra là do Vô minh (Avidya) hay là sự dốt nát (ignorance) của ta. Khi con người biết định tĩnh (Samadhi), sẽ tìm thấy sự nhứt quán của vũ trụ.

Sự nhứt quán của vũ trụ là đặc điểm của các nhà huyền học, và cũng là sự mặc khải của khoa vật lý học hiện đại. Càng đi sâu vào lòng nguyên tử, vào đáy lòng vật chất, ta càng thấy điều đó hiện ra. Càng sánh Khoa học hiện đại với triết học Á Ðông ta càng thấy vạn vật là nhứt thể, và vũ trụ này có liên quan mật thiết với nhau. (3)

Ông trình bày vấn đề trên rất khéo léo. Trước tiên ông trình bày cái nhìn của khoa học hiện đại. Sau đó ông trình bày cái nhìn tương tự của Bà La Môn, của Phật Giáo, của Trung Hoa, của Kinh Dịch, của Lão Giáo, của Zen. Tiếp đến, ông cho thấy những điểm tương đồng về Nhứt thể, về Siêu xuất âm dương, về Không gian Thời gian, về Vũ trụ sinh động, về Sắc Không, về Vũ điệu vũ trụ v.v... Ðại khái ông cho rằng vũ trụ này là nhứt thể. Chỉ nhìn thấy mâu thuẫn là cái nhìn phiến diện. Không gian và thời gian là một, không thể tách rời nhau. Vũ trụ này biến thiên, chuyển động chứ không phải ù lì, chết chóc, rời rạc. Sắc, Không là một; và tất cả chúng ta đều đang nhảy múa trong một vũ điệu có lớp lang tiết tửu của vũ trụ.

Ông đi đến một cái nhìn chung như vậy dĩ nhiên vì ông vừa là một nhà huyền học (Mystic) vừa là một nhà khoa học. Khi ông trình bày vấn đề theo khoa học, thì có nhiều điểm ta có thể không bắt kịp. Nhưng khi ông trình bày vấn đề theo huyền học và đạo giáo thì ta thấy rất là sáng tỏ.

Trước hết, ông nhận định rằng có hai cách hiểu biết: Một là hiểu biết bằng trực giác (Intuitive consciousness), hai là hiểu biết bằng lý trí (Rational consciousness). Upanishads cũng có hai loại hiểu biết: Hiểu biết cao (Higher knowledge) và hiểu biết thấp (lower knowledge). Hiểu biết cao là hiểu biết về đạo giáo; hiểu biết thấp là hiểu biết về khoa học. Phật giáo cũng có hai loại hiểu biết: Tuyệt đối và tướng đối (absolute and relative knowledge). Theo ông, thì đạo Lão và triết học Trung Hoa gọi Hiểu biết bằng trực giác là Hiểu biết Dương, còn hiểu biết bằng lý trí thì gọi là Hiểu biết Âm.

Hiểu biết bằng lý trí là nhận định về đời sống thực tại với những sự việc xảy ra trong kinh nghiệm và môi trường quanh ta. Lúc này ta dùng trí khôn để phân tích, đo lường, so sánh, phân loại. Vì hiểu biết bằng lý trí bao giờ cũng cần đo lường, phân loại và sắp xếp nên dĩ nhiên là sự hiểu biết này rất bị giới hạn, như Heisenberg đã nói: Một từ ngữ nào, một khái niệm nào, cho dù là trong sáng đến đâu cũng chỉ có tầm ứng dụng rất hạn chế.(4)

Cho nên đạo gia Á Châu dạy ta đừng nên cho những khái niệm đó là thực tại. Tuy ngón tay cần để chỉ trăng, nhưng ngón tay không phải là trăng. Lờ để bắt cá, bẫy để săn thỏ, nhưng khi đã bắt được cá, được thỏ rồi thì phải quên lờ, bẫy đi.

Á Châu dạy ta đi tìm Chân lý rốt ráo siêu xuất trên lý trí, trên ngũ quan, như Upanishads đã nói: Cái gì vô thanh, vô hình, hằng cửu, vô xú, vô vị, vô thủy vô chung, cao hơn mọi sự, bền vững nhứt, ai mà tìm thấy nó sẽ trở nên bất tử.(5)

Tại sao, chỉ là một con người, mà sao lại lắm loại chân lý như vậy? Theo tôi vì Âu châu đã có cái nhìn sai lạc về con người. Không thể nói được rằng con người chỉ có xác, có hồn mà phải nói con người có đủ Tam Tài, Thiên, nhân, địa trong mình nghĩa là có Thần, Khí, Tinh. Thiên hay Thần ở trong cùng, giữa là Nhân hay Khí, ngoài cùng là Tinh hay Vật.

Vì có Thần nên con người mới có Tuệ giác, có trí Bát Nhã (Intuition), mới có được sự hiểu biết cao siêu, mới có thể trở thành thần thánh (Intuitive Knowledge). Vì có Hồn nên con người mới thích dùng Trí Khôn, Trí Lự (Intellect) mà đi tìm về khoa học, triết học. (Rational knowledge) Vì có Xác nên con người mới biết dùng ngũ quan (Sensory perception) mà tìm hiểu. Tuy nhiên rất ít người có được tuệ giác, được trí Bát nhã, nên đành dắm mắt tin theo người đi trước.

Ravi Ravindra, tác giả quyển Science and Spirit cho rằng xưa Hi Lạp, Ấn Ðộ và Công giáo đều tin rằng con người có ba phần là Thần, Hồn, Xác. Thánh Paul đã dùng ba chữ Thần, Hồn, Xác trong 1 Thessalonians, 5, 23.

Thần là Ðại Ngã trong ta, Hồn là Tiểu Ngã trong ta. Tiểu ngã phải nhường bước cho Ðại Ngã, cho Thần như Ðạo Lão đã nói Tâm tử Thần hoạt.

Cho nên Hồn mới là cái mà ta cần phải lưu tâm uốn nắn rũa mài. Chúa Jesus nhiều lần cũng dạy phải diệt trừ Tiểu Ngã (Mat, 10, 39, Mc 8, 34-35; Luc 17, 33; 14, 36; Jn 12, 25). Bao nhiêu câu Kinh thánh này dạy Diệt trừ Tiểu Ngã, mà chữ Tiểu Ngã hay Hồn Kinh Thánh Vulgate viết đúng là Anima hay Hồn, nhưng các bản dịch xưa nay đều dịch Âme hay Anima ở các đoạn này là Sự sống. Thành thử câu văn trở nên vô nghĩa. Giáo chủ Mohammed cũng dạy phải chế ngự Tiểu Ngã, hay Hồn mình. ông nói : Chinh phục ngoại cảnh không khó, chinh phục hồn mình mới là khó.(6)

Ravi Ravindra cho rằng Descartes là người đã coi Hồn và Thần là một, và gọi Hồn và Thần đều là Mind. (Science and Spirit, Editor and Principal Author Ravi Ravindra, Paragon House, New York, 1991, p. 338-339). Thế là con người thay vì có ba phần đã bị Giáo Hội Công Giáo (Công đồng Latran IV (1215) Vatican I (1869-1870), và Descartes (1546-1650)) rút xuống còn có hai phần. Do đó mà những nhận định về con người trở nên sai chệch (7).

Capra mời chúng ta đi vào khoa học vật lý cổ điển của Newton, của Laplace (Classical Physics); vào vật lý học hiện đại (Modern physics) với những thay đổi nhãn quan qua các thế hệ để đi từ Vật lý Nguyên tử (Atomic Physics) đến Vật lý Lượng tử (Quantic physics) với cái nhìn hiện đại về vũ trụ.

Thiết tưởng chúng ta cũng nên có một vài khái niệm về vấn đề trên. Trước hết Capra cho rằng vào khoảng thế kỷ VI trước C.N., Hi Lạp đã có Vật lý và hiểu Vật lý là sự tìm hiểu về bản thể sự vật (Cool. Thủa ấy, có trường phái Milesian (Milesian School). Họ coi vạn vật đều sống động. Họ chưa phân biệt tinh thần và vật chất. Thales coi vạn vật đầy thần minh. Anaximander coi vũ trụ như một cơ thể có linh khí (pneuma) chuyển hóa bên trong.

Sau đó Heraclitus (thế kỷ V) chủ trương vạn vật biến hóa vô cùng, biến hóa do cặp ngẫu lực tướng đối. Tướng đối nhưng vẫn hòa hợp. Và Logos xiêu xuất trên sự đối chọi đó. Chủ trương của Heraclite cũng giống Thái Cực và Âm Dương trong kinh Dịch.

Tiếp đó là Trường phái Eleatic cho rằng có vị thần linh đứng đầu vạn vật. Trưởng môn là Parmenides và học trò ông là Zeno. Parmenides cho rằng vũ trụ này không có biến thiên.

Rồi đến những người chủ xương ra thuyết Nguyên tử: đó là Leucippus và Democritus (thế kỷ V). Họ coi thế giới này rốt ráo gồm những cục gạch đầu tiên (basic building block). Ðó là những phần tử chết, di chuyển trong chân không (They were purely passive and intrinsically dead particles moving in the void). Sức chuyển động chúng sau này được coi là năng lực tinh thần, khác hẳn với vật chất. Và từ đấy Âu châu mới phân biệt rõ về vật chất và tinh thần, xác và hồn. Và các triết gia cho rằng con người phải chú trọng đến đời sống siêu linh, đến hồn, đến vấn đề luân lý, hơn là đến vật chất.

Từ đó với ảnh hưởng của Aristotle và của Giáo hội La Mã, con người không tiến được nữa trong vòng 2000 năm từ thế kỷ V trước Công Nguyên đến thời kỳ Phục hưng hay Phục Sinh ở âu Châu (thế kỷ 14-thế kỷ 15). Mãi đến khoảng giữa thế kỷ XV, Âu Châu mới bắt đầu đi vào con đường khoa học, mới biết quan sát, thí nghiệm, mới biết dùng toán học hỗ trợ cho khoa học. Galileo (1564-1624) được coi là cha đẻ của nền khoa học hiện đại.

Song song với sự khai sinh của Khoa học và tiếp theo đó là sự phân tách đến triệt để giữa tinh thần và vật chất. Sự tách biệt giữa tinh thần và vật chất xảy ra vào khoảng thế kỷ XVII do ảnh hưởng Descartes. Descartes gọi Tinh thần là cái suy tư (Res Cogitans) và vật chất là cái trải rộng ra (Res Extensa). Vật chất là cái gì không sống động, và theo Descartes thì thế giới này là những bộ phận của một máy móc khổng lồ. Isaac Newton (1642-1727) cũng xây dựng Vật lý trên quan điểm này. Từ giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, quan niệm của Newton coi vũ trụ này như một máy móc lấn, hoàn toàn thống trị Âu Châu. Âu Châu coi Thượng đế như vị vua ngồi trên cao, chỉ huy thế giới này bằng những định luật vĩnh cửu. Các định luật mà các nhà bác học đi tìm chính là những định luật vĩnh cửu đó, mà thế giới này phải tuân theo.

Triết học Descartes cho đến nay vẫn còn có một tầm ảnh hưởng lấn đến đời sống hằng ngày. Cogito ergo sum, Tôi suy tư nên có tôi. Câu này đã khiến người Âu Châu trở thành những Ngã riêng rẽ nằm trong thân xác. Như vậy tâm thần đã hoàn toàn tách rời khỏi thân xác, và trí thức (the Conscious will) đối nghịch với bản năng (Involuntary instincts). Rồi mới con người lại còn được chia ra thành nhiều ngăn lớp khác tùy theo tài năng, ý thức, tâm tư , tín ngưỡng mình v.v... và gây ra không biết bao nhiêu là va chạm do những lẫn lộn và thất vọng về siêu hình.

Thế giới bên ngoài cũng được phân thành vô số sự vật. Cái nhìn gẫy vụn này được áp dụng vào xã hội và thế giới được chia thành nhiều nước, nhiều sắc dân, đạo giáo, chính tri Sự tin tưởng rằng những mảnh vụn đó - trong ta, quanh ta, trong xã hội ta - là có thật, có thể được coi là nguyên nhân gây ra muôn điều bất ổn trong xã hội, trong môi trường và trong xã hội hiện nay. Sự phân tách, chặt cắt này đã làm ta xa rời vạn hữu, xa rời con người. Nó đã đem đến sự phân phát bất công về tài sản, đã gây nên mọi thảm họa chính trị và kinh tế, gây nên những cao trào bạo động, gây nên những ô nhiễm ngoại cảnh và làm cho đời sống tinh thần và thể chất ta thêm bệnh hoạn. Như vậy, sự phân tích và cái thế giới máy móc của Descartes vừa có hại vừa có lợi. Nó lợi cho khoa học cho máy móc nhưng hại cho nền văn minh chúng ta. Cái hay nhứt là khoa học thế kỷ 20 này là tuy nó sinh ra từ cái nhìn lưỡng đoạn và từ cái thế giới máy móc của Descartes, đã bỏ được cái nhìn trên và trở về được với quan niệm nhứt thể của các Ðạo gia Á Châu.

Các Ðạo Gia Á Châu coi vũ trụ như là một vật sống động. Và vạn vật vạn sự mà ngũ quan thấy được như là muôn loài muôn sự, thật ra là vẫn liên kết, gắn bó với nhau, liên hệ với nhau và chỉ là những biến hóa của một thực thể duy nhứt. (9)

Sở dĩ con người không có cái nhìn như vậy là vì u mê (Avidya) mà thôi. Mã Minh đại sĩ nói: " Khi tâm loạn sẽ thấy vũ trụ là vạn hữu; nhưng khi tâm mà tịnh thì sẽ không còn thấy thế nữa." (10)

Sự chuyển động biến hóa là đặc điểm cố hữu của sự vật, nên cái sức chuyển hóa đó không thể ở ngoài các vật mà thật đã ở trong lòng mọi vật. Chính vì vậy mà các Ðạo Gia Á Châu, khác với các triết gia Hi Lạp, đã chủ trương rằng Thượng đế không phải giám sát hồng trần từ trên trời cao mà thực ra đã ở ngay trong lòng con người. Upanishads chủ trương: Ðỗng ngự trong vạn hữu, nhưng không phải là vạn hữu. Tuy vạn hữu là xác thân Ngài nhưng vạn hữu không hề hay biết. Ðỗng đó chỉ huy muôn loài từ bên trong. Ngài là Hồn bạn, Ðỗng bất tử, đớng chỉ huy từ bên trong. (11)

Frifjop Capra chứng minh rằng cái nhìn của các Ðạo Gia và khoa học gia hiện đại về vũ trụ là một. Cả hai đều chủ trương vũ trụ này là nhứt thể và hỗ tương ảnh hưởng đến nhau. Càng đi sâu vào lòng vũ trụ, khoa học càng thấy vũ trụ là nhứt thể hỗ tương ảnh hưởng đến nhau, và người quan sát cũng không thoát ra ngoài hệ thống đó được.

Chúng ta hãy cùng Fritjop Capra đi sâu vào khoa học hơn, Ta sẽ sánh vật lý cổ điển của Newton với Vật lý hiện đại.

Vật lý học Newton.
Trước khi vật lý học hiện đại ra đời, thì có Vật lý học Newton. Vật lý Newton là vật lý ba chiều. Newton chấp nhận không gian là tuyệt đối, thời gian là tuyệt đối, và vận chuyển từ quá khứ, đến hiện tại, đến tương lai. Trong không gian và thời gian tuyệt đối đó có những phân tử vật chất chuyển vận.

Vật chất được coi như là những khối nhỏ (mass points), rắn chắc, bền vững, không thể phá tán. Như vậy quan điểm Newton về Nguyên tử cũng giống Hi Lạp. Cả hai cũng đều phân biệt cái Có và cái Không (the Full and the Void), vật chất và không gian. Vật chất có hình thù cố định. Vật chất bao giờ cũng thụ động. Newton khác với Democritus ở chỗ là Newton tin rằng giữa các phân tử có một năng lực hoạt động trên nó, mà nay ta gọi là sức hớp dẫn. Và Thượng đế đã làm cho thế giới này chuyển động, như một cái máy khổng lồ được chi phối bằng những định luật bất biến. Vật lý Newton dựa trên sự vận chuyển của các hành tinh. ông cũng như Laplace (1749-1827), tin rằng mọi sự là tất định, và có thể dùng toán học mà tính ra được hết.

Tuy nhiên cái nhìn của Newton đã bị xụp đổ từ khi Michael Faraday (1791-1867) và Clerk Maxwell ( 1831-1879) tìm ra được Từ Ðiện Học (Electromagnetism) và Từ trường. Newton chỉ biết có Sức (force) chứ không biết gì là Trường (field). Thế là Vật Lý Newton đã bị Ðiện từ học (Electromagnetism) vượt qua mặt. Tiếp theo là nhân loại biết thêm về Ðiện động học (Electrodynamics), và người ta khám phá ra rằng ánh sáng cũng có từ trường, từ điện và vượt không gian bằng những Làn sóng. Rồi người ta thấy rằng Truyền thanh, Radar, Ánh Sáng, Tia Quang tuyến X, tia Gamma, Vũ trụ tuyến đều là những làn sóng. Ðiều mà Newton không hề biết tới.

Thế là cho đến đầu thế kỷ XX, người ta có hai lối giải thích vũ trụ: Một là lối giải thích theo Newton, hai là lối giải thích theo Ðiện động lực học (Electrodynamics).

Khoa học hiện đại.
Ba chục năm đầu thế kỷ XX, đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn của Vật lý. Người ta tìm ra được Thuyết tướng đối, và Vật lý nguyên tử. Hai sự kiện này đã phá tan nhãn quan của Newton. Ngày nay không còn không gian và thời gian tuyệt đối nữa, không còn có những hạt nguyên tử riêng rẽ nữa, không còn nói được rằng vật chất hữu hình được khiên dẫn bằng những nguyên nhân cố định, không còn nói được rằng có thể biết thế giới một cách khách quan. Vật lý học mới không chấp nhận cái nhìn trên nữa.

Người có công xây dựng Vật lý học mới là Albert Einstein (1879-1955). Einstein đưa ra thuyết Tướng đối (Theory of Relativity), và đóng góp vào thuyết lượng tử (Quantum Theory). Năm 1905, Einstein đưa ra thuyết Tướng đối hẹp (Special theory of Relativity) hợp nhứt khoa Cơ Học (Mechanics), và khoa Ðiện động lực học (Electrodynamics). Ông cũng còn gắn liền thời gian với không gian, coi thời gian là chiều kích thứ tư của vũ trụ. Einstein cho rằng vạn sự tùy theo sự đo lường của mới người trở nên khác nhau. Einstein còn cho rằng vật chất là năng lực, theo phương trình E=mc2. Năm 1915 ông đưa ra thuyết Tướng đối rộng (General Theory of Relativity), và chủ trương sức hớp dẫn có thể làm cong không gian và thời gian. Như vậy từ nay không còn không gian và thời gian tuyệt đối của Newton nữa. Từ nay cũng không còn không gian trống rỗng nữa (Empty space).

Rồi người ta tìm ra được quang tuyến X, tìm ra được các chất phóng xạ (Radiooactive substance) và thấy rằng nguyên tử có thể biến hình, và vật chất có thế thay hình đổi dạng được. Người ta thấy Nguyên tử còn sinh ra được các tia Alpha, Beta, Gamma. Ernest Rutherford (1871-1927) đã dùng tia Alpha để bắn phá trong lòng sâu nguyên tử. Sau đó lại khám phá thêm rằng nguyên tử được sắp xếp như những hành tinh, và người ta tìm ra được các định luật về hóa học dựa trên vật lý nguyên tử.

Năm 1920 nhiều khoa học gia góp sức để tìm ra các định luật đó như Niels Bohr người Ðan Mạch, Louis de Broglie người Pháp, Erwin Schrodinger và Wolfgang người Áo, Paul Dirac người Anh, Werner Heisenberg người Ðức. Các nhà khoa học trên thấy càng đi vào lòng vật chất, vạn vật càng khó hiểu và mâu thuẫn. Tại sao ánh sáng lại vừa là phân tử vừa là ba động. Max Planck (1858-1947) nhận ra rằng sức nóng chẳng hạn không phả ra đồng đều nhưng từng đợt, mà ông gọi là những túi Năng lực (Energy packets). Einstein gọi túi năng lực đó là quantum. Einstein còn cho rằng không cứ gì là ánh sáng mà tất cả điện từ cũng đều phả năng lực ra như vậy. Thế là chúng ta bắt đầu đi vào Vật Lý Lượng tử (Quantum Physics). Chúng ta không biết chắc bao giờ Ánh Sáng là phân tử và khi nào nó là ba động, chỉ đoán chừng được mà thôi. Ðó là Nguyên lý bất định của Heisenberg.(12)

Vật lý lượng tử như vậy đã phá tan nhãn quan của Newton, và không còn có những vật cứng cố định, những định luật tất định nữa. Ði vào lòng vũ trụ, lòng vật chất, nay chỉ còn thấy những ba động, sự vật tướng liên tướng ứng lẫn nhau mà thôi. Thuyết lượng tử cho ta thấy bản chất vũ trụ là một, và không còn có những nguyên tử cố định, những viên gạch căn bản xây nên vũ trụ. Xưa người ta tưởng Nguyên tử là nhỏ nhứt. Té ra không phải vậy. Nguyên tử còn có Proton, Positron, Electron. Meson, Baryon v. v... Năm 1935, người ta tưởng Nguyên tử chỉ có sáu tiểu nguyên tử, đến năm 1955 người ta tìm ra được 15 tiểu nguyên tử, nay ta đã tìm ra được hơn 200 rồi.

Như vậy trong Vật lý hiện đại, vũ trụ này được coi là cái gì linh động, là cái gì toàn khối, toàn bích, và người quan sát không tách mình ra ngoài nó được. Từ nay không còn không gian, thời gian riêng rẽ, không còn sự vật riêng rẽ. Cái nhìn trên rất giống cái nhìn của các Ðạo gia Á Châu. Sau khi chứng minh đại loại như vậy rồi, ta đã thấy Capra đi vào chi tiết để chứng minh.

Vật lý học Newton nhìn thấy Vạn, và đã đi từ Nhứt đến Vạn, Còn Vật lý Lượng tử nhìn thấy Nhứt, và đã đi từ Vạn về Nhứt. Nhìn thấy Vạn thời ai cũng làm được, nhưng nhìn thấy Nhứt xưa nay thực không mấy ai. Về phía Ðạo Giáo chỉ có một số Ðạo Gia thượng thặng mới nhìn thấy Nhứt. Về phía Khoa Học gia, ta thấy phải có nhiều người hợp lại mới tìm ra được Nhứt. Ta thấy chỉ có một số khoa học gia thượng thặng như Einstein, Max Plank, Werner Heisenberg, Schrodinger, Rutherford, Niels Bohr, Louis De Broglie, Eugene Wigner, Fritjof Capra v.v... mới làm nổi chuyện này. Werner Heisenberg khi quyết tâm từ giã Vật Lý Newton để đi tìm con đường vào khoa Vật lý lượng tử đã ví mình như Kha Luân Bố đi tìm Tân Thế Giới. Ông viết đại khái rằng: Cái hay của Kha Luân Bố chính là vì đã dám rời bỏ vùng mình đã biết, và dương buồm tiến về phía Tây, vượt xa điểm mà lương thực đã dự trữ để đủ trở về. Ðối với với Khoa học cũng vậy, nếu muốn tìm ra đất mới, thì không thể nào cứ mãi ở yên trong bến bờ của những học thuyết sẵn có mà phải chịu liều vọt bước ra đi.

Tôi thấy Capra hợp nhứt được khoa học và đạo học, công lao đó không phải là nhỏ. Nó có thể giúp cho nhiều học giả tới nay chưa có lập trường sẽ hồi tâm chuyển hướng. Vạn vật là một đã được Eckhart xác định. Eckhart viết: Mọi cái mà con người thấy như là Vạn thù bên ngoài, thật ra chỉ là một. Ở đây, cọng cỏ, gỗ, đá mọi sự đều là một. Ðó là cái gì thâm sâu nhứt. (13)

Thảo nào mà Dịch Kinh từ mấy nghìn năm nay đã nói Âm Dương tướng thôi nhi sinh biến hóa. Và Âm Dương luôn biến từ cái này sang cái kia, không có gì là cố định: rốt ráo chỉ còn có Hư Vô, Không Tịch. Niels Bohr đã nhận Hình Thái cực làm phù hiệu của ông, và công nhận rằng Contraria sunt complementaria (Opposites are complementary), tức là không có gì là mâu thuẫn nhau cả.

Tuy khoa học đã tìm ra được rằng vạn vật là nhứt thể, như không biết được rằng nhứt thể đó là gì. Ngược lại các đạo gia đã thấy rằng nhứt thể đó là Thực tại tối hậu (Ultimate Reality). Người thì gọi đó là Brahman, là Chân Như, là Pháp Thân, và Ðạo, là Trời. Eckhart gọi đó là Thần của Hồn (The Spirit of the Soul); Hugh of St. Victor gọi là Mũi nhọn tâm hồn (Acumen mentis), Thánh Teresa of Avila gọi đó là Tâm Ðiểm linh hồn (Center of the Soul); thánh Jerome gọi đó là Tàn lửa linh hồn (Spark of the Soul); Upanishads gọi đó là Atman [Thou art that; it is Atman (Self) which is Brahman.] Ấn độ cũng còn gọi đó là Khí Prana, hay Purusha, hay Atman hay Brahman v.v... Như vậy Prana cũng tướng đương với chữ Thần (Spirit, hay Pneuma). Tuy nhiên các đạo gia đều đồng thanh cho rằng cái thực tại tối hậu ấy hay con người tối hậu ấy, ta phải tìm cho ra ngay trong tâm thần của ta, bằng Thiền định, bằng Yoga hay bằng Kundalini. Phương tiện không quan trọng. Ðiều quan trọng là cái hiểu biết rốt ráo của mình. (14)

Ta phải biết chúng ta ai cũng có hai phần: Một phần hằng cửu, bất biến. Ðó là Bản thể chúng ta (Noumenon, Essence). Một phần là biến thiên, vô thường, vô định. Ðó là tất cả những hiện tượng biến thiên trong ta (Phenomenon, Accidents). Bản thể vĩnh cửu là Niết bàn. Ảo hóa biến thiên là Luân hồi, sinh tử.

Chúng ta phải biết dùng đời chúng ta, dùng mọi khả năng biến hóa cúa chúng ta, để mà thoát khỏi vòng luân hồi ảo ảnh, để mà tìm lại được Chân Nguyên, Chân thể của Chúng ta, đó là Ðạo, là Trời. Ta có thể gọi đó là Phối thiên (Mystical Union with God), là đạt đạo Yoga (Finding Yoga), là đắc Ðạo (Finding the Tao), hay Giác Ngộ (Enlightenment, hay Self- Realisation). Trong dĩ vãng đã có vô số người lên tới trình độ này. (15)

Mới hay ta sinh ra đời không phải là vô mục đích. Rõ ràng là ta phải biết dùng đời ta để biến thiên, tiến hóa. Chúng ta là những con người Biến Thiên (Becoming) và Tiến Hóa. Gopi Krishna nói: Chúng ta, bạn cũng như tôi, chúng ta phải tiến để thực hiện chân ngã chúng ta, để cho tâm hồn ta nhận ra được và thực hiện được bản thể thần minh của chúng ta. (16)

Ước gì chúng ta kẻ trước người sau đều bước được vào con đường này. Ðó là bổn phận của mới người chúng ta. Không làm được nó kiếp này, sẽ làm trong các kiếp sau. Tôi nhớ lời Kinh Upanishads:
Từ ảo ảnh xin đưa tôi về thực tại,
Từ tối tăm xin đưa tôi về ánh sáng,
Từ tử vong, xin đưa tôi về bất tử (17).


Chú thích:
1.- Fritjof Capra, The Tao of Physics, Bantam Books, 1984, Preface to the first edition, p. XIX.
2.- The basic oneness of the universe is not only the central characteristic of the mystical experience, but also one of the most important revelations of modern physics. It becomes apparent at the atomic level and manifests itself more and more as one penetrates deeper into matter, down to the realm of subatomic particles... (The Tao of the Physics, p. 117).
3.- The unity of all things and events will be a recurring theme throughout our comparison of modern physics and Eastern philosophy. (The Tao of Physics, p. 117-118).
4.- Every word or concept, clear as it may seem to be, has only a limited range of applicabilitỵ (The Tao of Physics, p. 15).
5.- What is soundless, touchless, formless, imperishable, Likewise tasteless, constant, odorless, Without beginning, without end, higher than the great, stable - By discerning That, one is liberated from the mouth of death. (Katha Upạ 3, 15. The Tao of Physics, p. 76).
6.- The little holy war is a war against the infidels, buy the great holy war is the war against onés own soul. (Ravi Ravindra, Science and Spirit, Paragon House, New York, 1991, p. 338).
7.- Ib. p.339.
8.- The endeavor of seeing the essential nature of all things. (The Tao of Physics p.6).
9.- For the Eastern mystics, all things and events perceived by the senses are interrelated, connected, and are but different aspects of the same ultimate reality. (Fritjof Capra, The Tao of the Physics Bantam Books, 1984, p. 10).
10.- When the mind is disturbed, the multiplicity of things is produced, but when the mind is quieted, the multiplicity of things disappears. (Ib. page 10).
11.- He who, dwelling in all things, Yet is other than all things, Whom all things do not know, Whose body all things are, Who controls all things from within - He is your Soul, the Inner Controller, The Immortal. Brihađaranyaka Upanishad, 3,7.15.
12.- Principle of uncertainty : It means that, in the subatomic world, we can never know both the position and momentum of a particle with great accuracỵy. (Fritjof Capra, The Tao of the Physics, Bantam books, 1988, p, 143).
13.- All that man has here externally in multiplicity is insitrically Onẹ Here all blade of grass, wood and stone, all things, are Onẹ This is the deepest depth... (Ravi Ravindra, Science and Spirit, Paragon House, New York, 1991, p.195).
14.- Science and Spirit, Ravi Ranindra, Paragon House, New York, 1991, p.375 & p.358.
15.- The Meeting of Science and Spirit, John White, Paragon House, New York, 1990, p.67.
16.- This, I believe, is the purpose for which you and I here - to realize ourselves... to bring the soul to a clear realisation of its own divine naturẹ (The Meeting of Science and Spirit, John White, Paragon House, New York, 1990, p.126).
17.- From the unreal lead me to the real, From the darkness lead me to light, From dead lead me to immortality. (Brihađaranyaka-Upanishad)
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Tôn giáo trong thời đại khoa học Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tôn giáo trong thời đại khoa học   Tôn giáo trong thời đại khoa học Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Tôn giáo trong thời đại khoa học
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG DSTT TRONG TOÀN TỈNH PHÚ YÊN TRONG NĂM 2009
» Điếu văn của Hội đồng khoa học UIA ...
» Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề cõi Âm
» Thử phân loại khoa học phương pháp DSTT
» Khái niệm đồng thời – tương ứng

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
DƯỠNG SINH TÂM THỂ :: DSTT-Những điều kỳ diệu có thật :: Khoa học & thực tiễn-
Chuyển đến 
Mở Cbox
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất